Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 6 đến tháng 10/2019 lượng mưa vùng thượng nguồn sông Mekong ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 35-40%; vùng trung vả hạ lưu ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2015 khoảng 10-15%. Điều này, dẫn đến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long hiện đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,4 - 0,7m, chỉ ở mức tương đương cùng kỳ năm 2015.
Một trạm đo độ mặn ở Vĩnh Long đặt tại khu vực nội đồng. Ảnh: V.O.V
Trung tâm trên dự báo, dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020 rất hạn chế, có khả năng thiếu hụt khoảng 30-45%. Chính vì vậy, vùng ĐBSCL sẽ đối diện với tình trạng xâm nhập mặn gay gắt, diễn ra sớm và sâu hơn. Đặc biệt là ở các địa phương ven biển của vùng như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An, Kiên Giang.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thì cho hay, dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL vào mùa khô 2019 -2020 có khả năng ở mức thấp kỷ lục. Do đó, xâm nhập mặn là rất nghiêm trọng (đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài).
Cụ thể, các vùng cách biển 30-40km từ tháng 12/2019 độ mặn có khả năng vượt quá 4‰, từ tháng 1/2020 trở đi các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.
Các vùng cách biển 45-65km, từ tháng 12/2019 đến 5/2020 có khả năng bị mặn cao hơn 4‰ xâm nhập. Nếu mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2020. Trong thời kỳ này, vào những đợt triều cường, mặn sẽ xâm nhập sâu. Còn vùng cách biển xa hơn 70-75km tuy ít gặp xâm nhập mặn 4‰, nhưng cũng cần cẩn thận trong các đợt triều cường và vẫn là vùng xâm nhập của nước mặn nồng độ dưới 4‰, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương ở ĐBSCL cần có kế hoạch triển khai công tác phòng chống hạn, mặn ở thế chủ động. Theo đó, cần phải tích trữ nguồn nước tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt và đóng cống kịp thời khi có mặn. Triển khai đắp đập thời vụ, nạo vét một số kênh trục chính, củng cố bờ bao trữ nước trên hệ thống kinh rạch nội đồng.
Nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước, ngành chức năng các địa phương tăng cường phối hợp trong quản lý vận hành hệ thống công trình thuỷ lợi liên tỉnh, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, chủ động tích trữ nước ở gia đình bằng bể chứa, lu, túi chứa nước…
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ cho biết, chế độ thủy triều của sông Mekong năm nay rất đặc biệt. Cụ thể, cuối tháng 8, đầu tháng 9/2019, tại các trạm Kratie, Stung Treng (Campuchia), Pakse (Lào), mực nước đang ở mức thấp nhất lịch sử nhưng đến giữa tháng 9, mực nước đã lên vượt mức cao nhất từng được ghi nhận rồi nhanh chóng xuống thấp như trước đó.
Ngoài ra, Biển Hồ - nơi đóng vai trò trữ nước đang bị bồi lắng, lượng nước ít hơn trước, cùng với ĐBSCL bị sụt lún khiến nước từ Biển Hồ khi vào Việt Nam sẽ chảy thoát ra biển nhanh hơn, không giữ lâu được.
“Từ những yếu tố trên, nếu sang năm 2020 không có mưa trái mùa thì ĐBSCL sẽ đối mặt với một đợt hạn hán, xâm nhập mặn khá gay gắt. Có thể tương đương hoặc nặng nề hơn năm 2016” - thạc sĩ Kỷ Quang Vinh nhận định.
Theo Huỳnh Xây/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/lo-ngai-han-man-o-dbscl-se-anh-huong-nghiem-trong-nhu-nam-2016-1041831.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn