Chỉ rộng 20ha, nhưng cánh đồng thôn Đông, xã An Vĩnh (huyện Lý Sơn) lại là nơi có số lượng giếng nhiều và dày đặc nhất. Nhiều nơi, chỉ trong chưa đầy 500m2, nhưng có đến 5 giếng nước. Tổng số giếng được đào tại đây để chống hạn ước tính hàng trăm cái. Mỗi giếng có đường kính 5-10m. Theo nhiều người dân ở đây, cánh đồng nằm quá xa hồ chứa Thới Lới, đến mùa nắng hạn, lượng nước trong giếng giảm xuống rất thấp, giếng đào nhiều vậy mà nước chẳng bao nhiêu.
Một hình thức chống hạn khác hiện đang được người dân Lý Sơn áp dụng phổ biến, đó là lắp đặt hệ thống tưới bằng béc phun. Anh Trần Hiệu ở thôn Tây, xã An Vĩnh, một trong những người đầu tiên ở huyện đảo đã lắp đặt béc phun, kể: Lâu nay để tưới nước cho hành, tỏi, dưa hấu, đậu..., người dân trên đảo thường dùng ống nhựa mềm, rồi cầm trên tay để tưới. Với kiểu tưới này thì dòng nước phun ra mạnh, lượng nước cung cấp cho cây không đều, làm tỏi, hành, dưa hấu bị giập, gãy, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Sử dụng hệ thống béc phun khắc phục được hạn chế này nhưng tốn tiền, 10-15 triệu đồng cho hệ thống tưới trong phạm vi 500m2. Tưới béc phun giúp năng suất tỏi, hành... tăng từ 10-30% so với cách tưới truyền thống.
Ngoài ra dùng béc phun tiết kiệm nước từ 20-30% so với tưới truyền thống. Hiện nay, 200/300ha đất canh tác của Lý Sơn được tưới bằng béc phun.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn