Sau khi làm thuần, dòng này được mã hóa và đặt tên MN 14-2. MN 14-2 được tiến hành các bước khảo nghiệm tác giả khắp các vùng sinh thái của vựa lúa ĐBSCL. MN 14-2 cũng đã gửi khảo nghiệm và đánh giá trong hệ thống mạng lưới khảo nghiệm quốc gia vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL qua Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Quốc gia.
MN 14-2 có các đặc tính nổi trội như thời gian sinh trưởng ngắn, 105 -110 ngày ở vụ HT, 110 - 120 ngày vụ ĐX, cứng cây, ít đổ ngã, bông to trung bình 80 - 110 hạt chắc/bông, hạt thon dài, gạo trong, được gạo. Điều đặc biệt MN 14-2 thích nghi rộng, cho năng suất cao và ổn định cả vụ HT và ĐX ở ĐBSCL. Năng suất trung bình 5 - 5,5 tấn/ha ở vụ HT, 7 - 7,5 tấn/ha vụ ĐX, nhiều điểm trình diễn của SSC năng suất đạt 8 - 9 tấn quy khô, cao hơn các giống đối chứng 10 - 12%. Ở một số tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, vụ HT đạt trung bình 6 tấn/ha, vụ ĐX 7 - 7,5 tấn/ha.
MN 14-2 chống chịu khá tốt với sâu bệnh hại, chịu mặn tốt ở nồng nộ 4 phần nghìn. Trong điều kiện lây nhiễm nhân tạo, MN 14-2 kháng rầy mức trung bình (điểm 5), kháng tốt với đạo ôn lá và cổ bông (bệnh cháy lá và khoang cổ: điểm 1 - 3).
Đặc tính được đánh giá cao nhất là chất lượng cơm gạo rất tốt, hạt thon, dài 7,02 mm, hàm lượng amylose 16,29%, gạo trong, tỷ lệ hạt bạc bụng thấp (5%), cơm trắng, bóng, dẻo, thơm, ngon có vị đậm.
Tập thể lãnh đạo và nhóm cán bộ kỹ thuật của SSC đã nhất trí chọn tên để đặt cho giống MN 14-2 là Đài thơm 8. Cái tên chứa đựng kỳ vọng vào sự “thượng đài” của giống lúa thơm này, không được 10 nhưng cũng phải là 8. Hiện các báo cáo về chọn tạo khảo nghiệm, đánh giá sâu bệnh hại nhân tạo và thử khả năng chịu mặn đã được tổng hợp hoàn tất. SSC sẽ đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận giống lúa mới này trong thời gian gần nhất để có cơ sở nhân giống đáp ứng nhu cầu của bà con. |
Đánh giả cảm quan cơm gạo của MN 14-2, tất cả hội đồng qua thử nếm, đông đảo nông dân ở Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Long An… đều đánh giá chất lượng cơm và mẫu mã gạo của MN 14-2 quá đạt, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng nội địa, và xuất khẩu, không thua kém gạo hạt dài thơm của Campuchia, của Thái, độ bóng của cơm còn hấp dẫn hơn.
Với diện tích các mô hình trình diễn trải rộng ở các tỉnh miền Tây trong vụ ĐX 2015-2016 đầy khó khăn, ngày 25 - 26/2 vừa qua, tại Trại chọn lọc, nhân giống của SSC (Cờ Đỏ, Cần Thơ) đã diễn ra hội nghị đầu bờ đánh giá giống MN 14-2 với sự tham dự của hơn 300 nông dân.
Mô hình sản xuất giống MN 14-2 được xem xét và đánh giá tại chỗ, nông dân được mắt thấy, tay sờ và “mục sở thị” việc gặt thống kê năng suất, cân đong đo đếm. Kết quả thật hấp dẫn: Năng suất tươi đạt 9 tấn/ha, quy khô trên 8 tấn/ha.
Nhiều nông dân tham gia mô hình trình diễn của SSC được hỗ trợ một phần giống và có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn rất hồ hởi nói với chúng tôi rằng, họ đã gieo cấy giống lúa của SSC và vụ này trúng đậm vì chi phí thấp, ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật lại được cả năng suất và giá lúa đang có lợi.
Ông Nguyễn Văn Mỹ ở xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, Hậu Giang có gần 4 công (3.800m2) được cán bộ của Cty hướng dẫn và mạnh dạn sạ hết diện tích bằng giống MN 14-2. Hiện ông đã thu hoạch và năng suất đạt được 9,4 tấn/ha. Đây là mức năng suất cao nhất trong các điểm mô hình trình diễn mà SSC đã triển khai ở vụ này.
Ông Trần Hoàng Mỹ ở ấp Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp có diện tích áp dụng lớn nhất với gần 2 ha, cho năng suất bình quân 8,8 tấn/ha. Hiện thương lái trả ông giá 5.000 - 5.100 đ/kg, ngang lúa Jasmine và Nàng Hoa 9, diện tích này ông thu về gần 80 triệu đồng, trừ chi phí còn lời hơn 40 triệu... Tham dự hội thảo, rất nhiều nông dân đã đăng kí mua giống của SSC để sản xuất trong vụ tới.
Ông Hàng Phi Quang, Tổng giám đốc SSC rất tâm đắc với giống lúa thuần mới và chất lượng này bởi các thông tin phản hồi từ nông dân và thị trường là rất khả quan.
"MN 14-2 đã hội tụ đủ các tiêu chí đặt ra từ năng suất, chất lượng đến chống chịu, khả năng chịu mặn khá tốt sẽ mở ra cơ hội cho vùng đệm có nguy cơ ảnh hưởng của mặn và chất lượng cơm gạo sẽ là một lợi thế lớn của giống này so với nhiều giống khác đang phổ biến", ông Quang khẳng định.
Theo Danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn