Ông Lê Hưng Quốc |
Bắt đầu SX tại VN từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước với bộ giống lúa lai đầu tiên có nguồn gốc từ Trung Quốc như Sán ưu 63, Sán ưu quế 99… đến nay tập đoàn các giống lúa lai đã phát triển đa dạng, cả “giống ngoại” (hầu hết của Trung Quốc) lẫn các "giống nội" do VN tự SX. Tuy nhiên đến nay diện tích lúa lai cả nước vẫn chỉ duy trì được ở mức 600.000-700.000 ha/năm, chiếm khoảng 10% tổng diện tích gieo trồng lúa của cả nước. Không những thế gần đây cả diện tích SX lúa lai F1 lẫn lúa lai thương phẩm đã có dấu hiệu giảm dần.
Để "tự bơi", không DN nào dám SX
Theo ông, điều gì khiến diện tích SX lúa lai đang giảm?
Nguyên nhân trước hết, phải nói tới sức ép cạnh tranh trên thị trường từ các giống lúa lai do Trung Quốc SX. Nhờ ưu thế “đi trước” VN rất xa (khoảng 40 năm) nên các giống lúa lai TQ vẫn chiếm khoảng trên 70% thị phần tại VN. Phải khẳng định ngành SX lúa lai của TQ đến nay vẫn ổn định và bền vững, sức cạnh tranh của giống lúa lai VN thấp hơn.
Những năm qua, chúng ta đã chi không ít kinh phí cho việc phát triển lúa lai, đặc biệt là SX giống F1, nhưng kết quả lại không được như mong muốn. Đến nay, chúng ta vẫn chỉ mới tạo ra được 5-10 tổ hợp lai F1, nhưng kể cả các giống F1 có năng suất và chất lượng khá tốt so với các “giống ngoại” thì việc đưa vào SX thương phẩm vẫn rất hạn chế. SX lúa lai của VN còn thiếu bền vững.
Nguyên nhân nào khiến việc SX lúa bị kìm hãm, thưa ông?
Yếu tố quan trọng nhất theo tôi là chúng ta vẫn còn thiếu chính sách trong cả chuỗi SX lúa lai từ nghiên cứu, SX cho tới thương mại.
Thứ nhất là về chính sách hỗ trợ, hiện trong chương trình khuyến nông hỗ trợ 6 triệu đồng/ha SX lúa lai F1, nhưng chừng đó là chưa đủ, còn quá thấp.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ rủi ro cho DNSX lúa lai F1 chưa có. Có DNSX lúa lai 1 vụ mất trắng, lỗ tới 7-8 tỷ đồng. Nếu không có chính sách bảo hiểm riêng đối với SX lúa lai F1, mà chỉ để cho DN “tự bơi” thì không DN nào dám làm cả! Điều này sẽ càng khó khăn hơn trong điều kiện thời tiết, khí hậu ngày càng thất thường, bấp bênh.
Thứ ba, chính sách trợ cước, trợ giá lúa lai cho nông dân ở những vùng khó khăn còn chưa tới nơi, nơi có nơi không, mạnh ai nấy làm. Khi giá giống đội lên cao, nhiều nơi nông dân không có tiền mua giống, lại cấy lúa thuần.
Thứ tư, thiếu chính sách hỗ trợ nghiên cứu ở các doanh nghiệp và hỗ trợ nguồn gen để tạo các dòng bố mẹ mới. Gần đây, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng VN (VSTA) kết hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp VN (VAAS) ký kết hợp tác nghiên cứu về lúa lai với Cty CP Giống cây trồng miền Nam.
Cuối cùng, thị hiếu thị trường tiêu dùng lúa gạo kể cả trong và ngoài nước đang ngày càng cao, theo hướng thiên về đòi hỏi chất lượng. Trong điều kiện chất lượng các giống lúa lai vẫn còn rất hạn chế, thì sự trỗi dậy của các dòng lúa thuần có lợi thế chất lượng gạo ngon đang đẩy lúa lai vào hoàn cảnh khó khăn hơn trong việc cạnh tranh diện tích gieo trồng.
Nói vậy, có thể tương lai của lúa lai sẽ hết sức ảm đạm, thưa ông?
Tôi nghĩ trong tương lai, lúa lai vẫn sẽ có chỗ đứng nhất định trong cơ cấu giống lúa của nước ta, khoảng 10% diện tích gieo trồng, bởi vì có 2 ưu điểm khẳng định của lúa lai là năng suất và tính chống chịu (chịu hạn, chịu rét, chịu úng ngập…).
Các vùng như trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên diện tích SX lúa lai thương phẩm vụ xuân vẫn chiếm 30-40% và còn nhu cầu về giống lúa ưu tiên năng suất và khả năng chống chịu nên lúa lai vẫn có vai trò lớn. Ngay cả vùng ĐBSCL vốn chỉ có lúa thuần “ngự trị” thì gần đây lúa lai cũng bắt đầu chen chân được, với một số giống lúa như Hương ưu 3068, BTE1, Nam ưu 901, HR 182…
Bước tiến của KH-CN
Vùng ĐBSH lâu nay dù có nhiều chính sách khuyến khích nhưng diện tích lúa lai vẫn không tăng được. Theo ông, có nên tiếp tục khuyến khích mở rộng lúa lai trong cơ cấu giống vùng này?
Đây là vùng thâm canh lúa giỏi nhất của nước ta, có năng suất cao nhất. Chính vì vậy sức cạnh tranh của lúa lai với lúa thuần thấp hơn các vùng khác. Hơn nữa, các giống lúa thuần chất lượng cao giá rẻ, đáp ứng nhu cầu thị trường lúa giống và gạo chất lượng, gạo thơm hơn lúa lai nhưng ĐBSH, Bắc Trung bộ… vẫn có thể SX hạt giống lúa lai F1, SX lúa lai thương phẩm với những tổ hợp mới, chất lượng cao, sức chống chịu tốt. Một số địa phương vẫn có nhu cầu SX lúa lai năng suất cao.
Ông đã đề cập tới hạn chế về chính sách cho SX lúa lai. Vậy nên có chính sách cụ thể gì trong thời gian tới?
Trước hết, phải có chính sách bảo hiểm riêng đối với SX giống lúa lai F1. Mấy năm qua, các DNSX lúa lai bị rủi ro khá nặng nề, đa số DN vẫn phải tự chịu trách nhiệm với nông dân chứ chưa có chính sách bảo hiểm riêng cho các DN này. Điều này khiến các DN ngày càng nản lòng với SX lúa lai F1, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ hai là chính sách hỗ trợ khuyến nông, cần nâng mức hỗ trợ lên 8-10 triệu đồng/ha đối với SX lúa lai F1.
Thứ ba, cần tiếp tục thúc đẩy gắn kết việc nghiên cứu và SX lúa lai giữa cơ quan nghiên cứu khoa học và DN theo hướng tập trung khuyến khích vào các giống chất lượng cao, chống chịu tốt. SX lúa lai mà không có sự vào cuộc của DN thì sẽ không bao giờ làm được.
Thứ tư, cần phải tổng kết và nghiên cứu mô hình tổ chức SX lúa lai F1 có hiệu quả. Theo tôi, mô hình tổ chức SX như của Cty TNHH Cường Tân (Nam Định) chính là một mô hình có thể nghiên cứu học hỏi và hoàn thiện thêm.
Cty Cường Tân mỗi năm SX 600 ha lúa lai F1 (vụ xuân 300 ha, vụ mùa 300 ha). Cách làm của Cty này là thuê đất của nông dân, có nông dân giỏi thâm canh lúa tham gia SX và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của nông dân theo giá thỏa thuận, đảm bảo mỗi sào lúa làm giống có thu nhập 1 triệu đồng. Nông dân tự tích tụ ruộng đất, giữa DN và nông dân không có trung gian. Toàn bộ 600 ha lúa giống SX theo 5-6 cánh đồng lớn phù hợp với phong trào phát động làm cánh đồng mẫu lớn của Bộ NN-PTNT.
Theo ông, cái được lớn nhất sau 20 năm phát triển lúa lai ở nước ta là gì?
Ưu thế về năng suất và khả năng chống chịu tốt của lúa lai so với lúa thuần luôn là điều không thể phủ nhận. Nhờ có ưu thế năng suất luôn cao hơn lúa thuần khoảng 1 tấn/ha nên lúa lai đã góp phần giải bài toán về an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo lẫn thúc đẩy XK lúa gạo. Nhờ có lúa lai, trình độ KH-CN SX lúa của nước ta từ nghiên cứu đến ứng dụng được nâng lên một bước phát triển mới khi thế giới đánh giá trình độ SX lúa lai của nước ta chỉ sau Trung Quốc.
Có thể nói, cùng với lúa lai, ngành SX lúa gạo của nước ta có thêm thành tựu mới và có bước tiến về KH-CN.
Xin cảm ơn ông!
Theo Tư vấn nông nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn