Tại tại hội nghị tổng kết sản xuất vụ hè thu và triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa 2019 khu vực Nam Bộ được tổ chức tại Hậu Giang hôm qua (11/7), ông Lữ Cẩm Khường – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết: "Theo dự báo, mùa lũ năm nay sẽ không đến sớm và chỉ ở mức báo động 2. Hàng loạt đập ở thượng nguồn chặn hết rồi làm gì có nước nữa".
Nước lũ năm 2019 ở miền Tây được dự báo là về muộn và nhỏ hơn năm 2018 (Trong ảnh, người dân chứng kiến cảnh xả lũ ở tỉnh An Giang trong năm 2018)
Tuy nhiên, ông Khường cũng cho biết, lũ về muộn và nhỏ sẽ thuận lợi cho các địa phương trong tỉnh sản xuất lúa thu đông. Hơn nữa, nhiều năm qua, tỉnh đã chủ động đắp đê bao khép kín nhiều vùng trồng lúa nên người dân an tâm sản xuất.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang,ngành nông nghiệp tỉnh này rất quan tâm đến diễn biến lũ trong thời gian tới để chỉ đạo người dân sản xuất. Theo dự báo lũ muộn, nhỏ và do có đê bao khép kín nên địa phương này sẽ giao sạ 39 nghìn ha. Ngành nông nghiệp sẽ không chủ quan, thường xuyên cập nhật thông tin về lũ để sớm cung cấp cho người dân sao cho kịp thời nhất.
Tổng cục Thuỷ lợi cho biết, mùa lũ năm 2019 sẽ ít khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ có thể xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, chỉ ở mức từ báo động 1 đến báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN và thấp hơn năm 2018.
Với dự báo lũ trên, ở Long An, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang cơ bản an toàn do có hệ thống đê bao bảo vệ. Ở Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau vẫn có khả năng bị đe dọa ở các khu vực ngoài đê.
Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ cũng dự báo, ít có khả năng xuất hiện lũ ở ĐBSCL vào đầu mùa. Mực nước cao nhất trong năm 2019 tại Tân Châu, Châu Đốc thấp hơn so với TBNN, dao động từ báo động 1 đến báo động 2 xảy ra vào từ nửa tháng 9 đến đầu tháng 10.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn