19:25 EDT Thứ bảy, 20/07/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhà nông cần biết


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Miền núi tăng tốc

Thứ bảy - 26/03/2016 07:58
Xây dựng nông thôn mới là câu chuyện ý nghĩa về chiều sâu của sự đồng thuận, cùng hướng đến cuộc sống ổn định và ngày càng phát triển.
 

"CÚ HÍCH" Ở BẮC TRÀ MY

Xác định rõ tiềm lực cũng như hoạch định phần việc cụ thể góp phần tạo thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới của Bắc Trà My.

Bình yên làng quê Bắc Trà My.Ảnh: NG.DƯƠNG
Bình yên làng quê Bắc Trà My.Ảnh: NG.DƯƠNG

Chuyển mình

Cách đây 5 năm, chúng tôi vào xã Trà Dương khi xã tổ chức lễ kỷ niệm ngày giải phóng khi trời vừa chuyển mùa, sụt sùi mưa. Con đường đầy bùn đất dẫn chúng tôi đến trung tâm xã khi đó dựng trên một khoảnh đất trống. Phía trước UBND xã có sân bóng chuyền đang tổ chức giải giữa các thôn chào mừng ngày hội, bùn đất lấm lem đến đầu gối của các cầu thủ. Nhắc lại chuyện cũ với ông Võ Văn Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Trà Dương, ông cười: “Lúc đó có lạc quan đến mấy cũng chẳng thể tin lại có đường bê tông, thảm nhựa như hiện nay để đi. Hơn 80% người dân thời điểm này chỉ biết trông chờ vào vụ mùa được mất trên triền sông Trường, thiếu đói thường trực. Giờ người dân đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, đời sống khấm khá hẳn lên. Nhiều người đã vươn lên làm giàu từ những rừng keo bạt ngàn”- ông Xuân tâm sự.

Cũng theo ông Xuân, diện tích trồng keo của người dân đã tăng lên hàng chục lần so với trước, qua đó cải thiện thu nhập của người dân đáng kể. “Cái quan trọng nhất là tư duy của người dân đã có chuyển biến rất lớn. Trồng rừng thì chí ít cũng phải hơn 3 năm mới có thể thu hoạch, vậy trong 3 năm đó làm gì để đảm bảo đời sống? Chính vì vậy, xã cùng với người dân đã có những mô hình kinh tế cụ thể, có tiềm năng để phát triển. Đó là cách phòng tránh cho những rủi ro có thể xảy ra, để luôn đảm bảo đời sống của người dân được ổn định”- ông Xuân cười bảo.

Trà Dương và Trà Tân là 2 xã được hưởng lợi từ nguồn của Nhà nước hỗ trợ phát triển nông thôn mới. Nhưng toàn huyện có 12 xã đều đã lập kế hoạch và từng bước thực hiện theo chủ trương. Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, cùng với phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới, huyện đã tuyên truyền, vận động bà con cùng hưởng ứng phong trào này, từng bước nâng cao đời sống. “Tất nhiên, huyện biết rõ tiềm lực của mình đến đâu nên không thể đồng loạt xây dựng nông thôn mới trên toàn huyện mà có hoạch định lộ trình từng bước, cụ thể là cho 2 xã Trà Dương và Trà Tân. Đây là 2 xã đã đạt được một số tiêu chuẩn từ trước nên tập trung hoàn thành các tiêu chí còn lại. Đến nay Trà Dương đã vừa được công bố đạt chuẩn và Trà Tân phấn đấu trong năm 2017 sẽ hoàn thành...” - ông Tuấn nói.

Thành công từ sự đồng thuận

Cách đây vài năm, việc xuất hiện những trận động đất xuất phát từ khu vực thủy điện Sông Tranh khiến người dân bất an. “Đó là thời điểm rất khó khăn, vừa phải trấn an người dân, vừa tuyên truyền để họ cùng chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Chỗ ở còn chưa dám chắc thì làm sao có thể xây dựng. Chính quyền huyện đã cố gắng hết sức để tìm được tiếng nói chung, cùng vì một mục tiêu để phấn đấu. Và đến nay, đó đã là một sự thành công của sự đồng thuận” - ông Trần Anh Tuấn cho biết.

Nói về gốc rễ của sự đồng thuận, theo cách của người dân nơi đây thật đơn giản nhưng sâu sắc. Bà Trần Thị Thanh Thúy, thôn Dương Hòa, xã Trà Sơn nói: “Nhà nước làm đường cho mình đi nên ai cũng mừng. Hiến đất là bình thường thôi, ai cũng như mình hết. Lâu nay không có đường để đi, giờ có bê tông rồi, thuận tiện cho mấy đứa nhỏ được đi học đàng hoàng, ai cũng vui…”. Gia đình bà Thúy đã hiến 20 cây gỗ huỷnh, 50 cây cau đã đến kỳ khai thác và hơn 600m2 đất... để mở đường; nếu tính giá bồi thường cũng không dưới 200 triệu đồng. Gia đình bà Thúy chỉ là một trong 150 hộ của thôn Dương Hòa xã Trà Sơn tự nguyện hiến đất đai, hoa màu, vật kiến trúc để cùng với chính quyền huyện hoàn thành con đường bê tông dài gần 2km. Ngoài nguồn vốn hơn 5 tỷ đồng của nhà nước đầu tư, người dân nơi đây còn tự nguyện hiến đất đai, hoa màu, vật kiến trúc với tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng.

Đó là một trong những bằng chứng rõ nét nhất trong sự đồng thuận của người dân và chính quyền địa phương cùng nhau xây dựng đời sống dân cư ngày một tiến bộ. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có kế hoạch phát triển nông thôn mới ở các xã Trà Tân, Trà Giang, Trà Sơn và Trà Đông theo tiêu chí: dễ làm trước, khó làm sau. Tập trung những điều kiện thuận lợi để phát triển, từ đó làm đòn bẩy để phát triển những tiêu chí khác. Quan trọng nhất là vẫn phải đảm bảo được đời sống của người dân được nâng cao. Khi đời sống người dân được đảm bảo thì tin rằng những tiêu chí khác cũng dần được hoàn thành”- ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói. (NGUYỄN DƯƠNG)

ĐỊNH HÌNH BẢN SẮC TRUNG DU

Xác định là vùng đất có điều kiện sản xuất khó khăn nên huyện Tiên Phước đã tìm cho mình một hướng đi riêng trong việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đường quê Tiên Phước đẹp hơn nhờ có sự chung tay của nhân dân. Ảnh: D.LỆ
Đường quê Tiên Phước đẹp hơn nhờ có sự chung tay của nhân dân. Ảnh: D.LỆ

1. Khi xã Tiên Sơn tiến hành mở đường giao thông nông thôn đi vào xóm của mình, ông Lê Văn Mai (thôn 5, xã Tiên Sơn) nhận thấy đây là cơ hội góp phần thay đổi cuộc sống gia đình cũng như người dân trong thôn nên tự nguyện hiến hơn 5.000m2 đất và hàng trăm cây lòn bon, cau, chuối, mít… Sự đóng góp của ông Mai đã khiến những hộ dân khác theo gương, cùng góp đất đai, công sức, vật chất trị giá hơn 80 triệu đồng để làm đường giao thông đi vào xóm. Nhờ vậy mà con đường bê tông sạch đẹp, rộng rãi nhanh chóng hoàn thành, phục vụ đời sống dân sinh cho bà con nhân dân. Hoặc như ông Mai Quy (thôn 1, xã Tiên Phong) đã tự nguyện hiến 2.500m2 đất cùng 40 cây cau, 2.000 cây keo và nhiều loại cây cối, hoa màu khác, đóng góp thêm hơn 7 triệu đồng và ngày công để cùng bà con nhân dân trong thôn thuê xe múc đất, san lấp mặt bằng làm đường bê tông nông thôn. Nhân dân thôn 1 đã đóng góp đất đai, tiền của, công sức hơn 70 triệu đồng, cùng nhà nước hoàn thành con đường bê tông, giúp người dân đi lại, vận chuyển keo nguyên liệu thuận tiện.

Hội Nông dân Tiên Phước là một trong những đầu tàu kêu gọi, giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất, vào cuộc trong xây dựng nông thôn mới. Trong các cuộc vận động nhân dân hiến đất đai, vật chất, ngày công để làm đường giao thông nông thôn, hay tham gia các phong trào sản xuất… hội viên Hội Nông dân luôn chiếm đa số. Vì thế, sự vào cuộc của Hội Nông dân các cấp đã huy động được hơn 7.500 ngày công, cùng hàng trăm triệu đồng tiền của, đất đai, cây cối… để làm mới trên 100km đường bê tông, tu sửa hơn 300km đường giao thông nông thôn, 87 cầu cống và hơn 6.000 ngày công nạo vét kênh mương, đập bổi… Hội Nông dân huyện đã làm tốt vai trò bà đỡ, tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển đổi sang phương thức sản xuất hàng hóa với tiêu chuẩn hàng nông sản sạch, mang bản sắc vùng quê Tiên Phước.

Ông Nguyễn Đình Tứ - Chủ tịch Hội Nông dân Tiên Phước, cho biết: “Người dân Tiên Phước đã xây dựng được hàng trăm mô hình đặc trưng và hình thành thương hiệu Tiên Phước như trồng tiêu bản địa, nuôi gà thả vườn, lòn bon, thanh trà… Thông qua kênh của hội, nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã cho vay hỗ trợ 2,9 tỷ đồng, tín chấp 101 tỷ đồng để phát triển sản xuất hiệu quả. Sắp tới, hội sẽ tiếp tục làm cầu nối để đưa sản phẩm của người dân được bao tiêu bởi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sản xuất ổn định và phát triển”.

Đặc sản tiêu Tiên Phước đã được phát triển thành công.
Đặc sản tiêu Tiên Phước đã được phát triển thành công.

2. Xác định Tiên Phước là vùng đất có điều kiện sản xuất khó khăn nên huyện đã tìm cho mình một hướng đi riêng trong việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Sau 5 năm kiên trì mục tiêu chú trọng phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp, kinh tế trang trại, gia trại, Tiên Phước đã thành công, được tỉnh đánh giá là huyện dẫn đầu khu vực miền núi về xây dựng nông thôn mới. Nhìn lại 5 năm qua, ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, với Tiên Phước, cơ cấu chính là nông nghiệp, đại bộ phận đời sống nhân dân dựa vào nông nghiệp gồm lâm nghiệp và chăn nuôi. Tiên Phước xác định khi xây dựng nông thôn mới phải dựa trên tinh thần phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhờ tinh thần quyết tâm của toàn hệ thống chính trị đến toàn dân, công cuộc chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 đã hoàn thành với 3 xã điểm Tiên Sơn, Tiên Phong, Tiên Cảnh đều về đích nông thôn mới, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt trên 23 triệu đồng/năm.

Sau 5 năm vào cuộc xây dựng nông thôn mới, mô hình kinh tế vườn rừng kết hợp, kinh tế trang trại, gia trại của Tiên Phước đã xác định được chỗ đứng riêng. Cụ thể, đặc sản tiêu Tiên Phước từ chỗ chỉ còn có 2ha nay đã có 60ha; nhiều hộ có quy mô hơn 500 đến 1.000 choái; diện tích lòn bon đã đạt hơn 220ha; 15/15 xã, thị trấn đều trồng cây dó bầu, nhiều cơ sở chế tác dó trầm ra đời, tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân.

Trong giai đoạn tiếp theo, Tiên Phước chọn 4 xã tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới gồm Tiên Châu, Tiên Cẩm, Tiên Thọ, Tiên Lộc. Tuy nhiên, các xã khác cũng đồng thời tận dụng, lồng ghép mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới theo bộ 19 tiêu chí. Trong các xã còn lại của Tiên Phước, hiện tại không có xã nào đạt dưới 8 tiêu chí. cùng với lòng dân đồng thuận, hệ thống chính trị quyết tâm là điều kiện thuận lợi cho Tiên Phước, phấn đấu đưa huyện thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022. (DIỄM LỆ)

TUỔI TRẺ CHUNG TAY

“Muốn phong trào Đoàn lớn mạnh, cán bộ đoàn phải vững về kinh tế, thoát được cái nghèo”. Đó là định hướng rõ ràng để các cấp bộ đoàn trên toàn tỉnh nói chung và Huyện đoàn Đông Giang nói riêng, phấn đấu thực hiện.

Nhờ tính cần cù, chịu khó và tinh thần dám nghĩ, dám làm nên anh Zơrâm Chút đã xây dựng thành công mô hình trang trại cho gia đình. Ảnh: V.A
Nhờ tính cần cù, chịu khó và tinh thần dám nghĩ, dám làm nên anh Zơrâm Chút đã xây dựng thành công mô hình trang trại cho gia đình. Ảnh: V.A

Dám nghĩ, dám làm

Chúng tôi đến thôn Tà Vạc, thị trấn Prao (Đông Giang) để tìm hiểu về mô hình kinh tế của vợ chồng anh Zơrâm Chút. Đây là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của thanh niên thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm để vươn lên thoát nghèo. Sinh ra trong gia đình đông anh em, từ nhỏ cuộc sống của Zơrâm Chút hết sức cơ cực. Học đến lớp 3, Chút phải nghỉ học giữa chừng. Không đi học, ngày ngày Chút theo cha mẹ lên rẫy trồng lúa, tỉa bắp để kiếm cái ăn nuôi các em. Năm 18 tuổi, Chút lấy vợ và chuyển ra ở riêng, đôi vợ chồng trẻ chỉ biết bám rừng, bám rẫy nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Năm 2000, Chút may mắn được tham gia một khóa học sơ cấp 3 tháng về chăn nuôi thú y do tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ. Được tiếp thu chút ít kiến thức từ khóa học, Chút quyết tâm đầu tư nuôi heo để phát triển kinh tế gia đình. Cái khó là anh không có vốn để mua con giống và làm chuồng trại. Lúc này, Chút  tìm đến Đoàn thanh niên thị trấn để nhờ tư vấn và tìm kênh vay vốn. Thông qua  tổ chức Đoàn, Chút được vay 30 triệu đồng từ kênh người nghèo để đầu tư trang trại. Đó là số tiền không nhỏ đối với một thanh niên vùng cao lúc bấy giờ. “Nhận 30 triệu đồng về mà vợ chồng mình lo lắng không ăn không ngủ được. Ở thôn lúc đó người vay nhiều nhất cũng chừng 6 triệu đồng, còn mình lại liều lĩnh vay nhiều như vậy rồi không biết có trả nổi không” - Chút nhớ lại.

Bản thân người trẻ phải tự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và không bao giờ trông chờ ỷ lại. Trên cơ sở đó, huyện đoàn sẽ tìm mọi cách để trợ lực cho thanh niên như giới thiệu vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho thanh niên…” .
(Đỗ Hữu Tùng - Bí thư Huyện đoàn Đông Giang)

Chị Arấl Thị Múc - Phó Bí thư Đoàn thị trấn Prao cho biết, ban đầu mô hình chăn nuôi heo của Chút có gặp những khó khăn nhưng anh không nản chí. Anh đã tham khảo những mô hình hay, cách làm kinh tế hiệu quả qua báo, đài để tích lũy kinh nghiệm. Đến nay, anh đã xây dựng trang trại với 3 con heo nái, 3 ao cá, 2ha keo lá tràm, 6 sào lúa, một máy xay xát và hàng trăm gốc chuối. Trước Tết Bính Thân, Chút xuất bán 25 con heo thịt, thu lãi hàng chục triệu đồng. Số tiền mượn để làm kinh tế đến nay đã trả gần hết. Ngoài ra, vợ chồng Chút còn xây dựng được căn nhà khang trang trị giá cả trăm triệu đồng. Hàng tháng, vợ chồng anh còn chu cấp thêm tiền cho 2 đứa em đang học đại học. Chút chia sẻ: “Nếu không mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm thì mình đã không dám vay số tiền lớn như vậy để làm kinh tế. Để mở rộng thêm trang trại, sắp đến mình dự định vay khoảng 20 triệu đồng nữa để xây dựng lại chuồng heo cho kiên cố”.

Tiên phong giảm nghèo

Năm 2016, Huyện đoàn Đông Giang đã xây dựng kế hoạch chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi với những nội dung cụ thể. Theo đó, Huyện đoàn xác định phong trào “Tuổi trẻ Đông Giang chung tay xây dựng nông thôn mới và xóa nghèo bền vững” là một trong những nhiệm vụ then chốt để xây dựng nâng cao chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh niên. Trong đó, việc tập trung hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển kinh tế, giới thiệu, nhân rộng những mô hình điển hình tiêu biểu trong sản xuất. Đề cao trách nhiệm trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN) sử dụng vốn vay, xây dựng phương án giải quyết việc làm cho thanh niên, đề xuất tăng vốn và định hướng việc sử dụng vốn tập trung cho các dự án sản xuất của thanh niên. Anh Đỗ Hữu Tùng - Bí thư Huyện đoàn Đông Giang cho biết, những năm qua, phong trào thanh niên huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do là địa bàn miền núi, cuộc sống của người dân nói chung và ĐVTN nói riêng còn nhiều khó khăn nên việc nâng cao chất lượng phong trào đoàn còn những hạn chế nhất định. Vì thế, Huyện đoàn xác định, muốn phong trào lớn mạnh, tập hợp được đông đảo ĐVTN, việc đầu tiên là cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế trong ĐVTN.

“Để ĐVTN toàn tâm toàn ý chung tay hưởng ứng các phong trào do tổ chức Đoàn - Hội phát động thì bản thân họ phải thực sự vững về kinh tế, thoát được cái nghèo. Nếu còn nghèo, còn lo cái ăn từng bữa, thử hỏi làm sao họ có tâm trí để tham gia  công tác tình nguyện, xung kích vì cộng đồng, làm gương cho ĐVTN khác phấn đấu” - anh Tùng nói. Do vậy, Huyện đoàn Đông Giang đã và đang chỉ đạo các cơ sở đoàn tập trung vận động ĐVTN phát triển kinh tế, xây dựng những mô hình làm ăn hiệu quả. Trong nghị quyết chương trình công tác đoàn và phong trào thanh niên năm 2016, Huyện đoàn Đông Giang phấn đấu “mỗi đoàn xã, thị trấn phấn đấu có ít nhất 2 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi”. Đồng thời Huyện đoàn cũng đã phát động đăng ký thoát nghèo trong ĐVTN theo từng năm. Trước mắt, năm 2016, toàn bộ 95 bí thư chi đoàn thôn trên địa bàn huyện đã đăng ký thoát nghèo, nhằm làm gương để ĐVTN trong các chi đoàn phấn đấu làm theo. (VINH ANH - GIA KHẢI)

Theo Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 297

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 295


Hôm nayHôm nay : 52032

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 924230

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 64910174