Chị Lan kể, năm 2012, vợ chồng chị quyết định phá bỏ những cây cà phê năng suất thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế cao để trồng quýt đường. Gia đình chị cải tạo lại hơn 1 ha đất đồi khô cằn, nhiều sỏi đá, đào gần một sào ao tích trữ nước…
Những cây quýt đường trĩu quả hứa hẹn một vụ mùa bội thu cho gia đình chị Lan. Ảnh: H'Ma.
Mày mò, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây quýt đường qua các tài liệu, thông tin, thực tiễn từ nhiều mô hình trang trại, gia đình chị xuống tận vườn ươm giống cây ăn quả ở Đồng Nai đặt mua hơn 400 cây quýt đường.
Năm 2013, chồng chị bất ngờ bị ung thư, dù dồn hết tiền bạc, tài sản để chạy chữa, nhưng anh cũng không qua khỏi. Còn một mình với 5 đứa con, chị nén đau thương, dồn tâm sức chăm sóc, quyết tâm thành công với ước mơ quả ngọt mà chồng chị để lại. Chị khoan thêm giếng, đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động. Với bản tính cần cù, nhanh nhẹn và chịu khó chăm sóc vườn cây, sau hơn 3 năm trồng, chị đã được hưởng những quả ngọt đầu tiên.
Thông thường, sau 3-4 năm kể từ khi trồng, quýt đường cho ra quả bói đầu mùa. Càng về những vụ sau, năng suất, chất lượng quả càng ổn định nếu được chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi. Bên cạnh đó, cây quýt đường còn đậu quả quanh năm, nên mỗi ngày chị vẫn có thu nhập thêm khi hái mót để bán. Năm 2015, vườn quýt đường của chị Lan cho thu bói hơn 4 tấn/vụ. Đến năm 2016, chị thu được hơn 10 tấn/vụ. Vào mùa chính (tháng 8) thương lái tới tận vườn để thu mua với giá bán sỉ 20.000 đồng/kg, vào dịp tết bán với giá 30.000 – 35.000 đồng/kg. Quýt chính vụ cho quả sai, trái căng mọng, vỏ mỏng, chín vàng, có vị ngọt đậm đà.
Chị Lan chia sẻ: “Cây quýt đường có nhiều ưu điểm như không kén đất, cây sinh trưởng phát triển nhanh, sức kháng bệnh tốt, năng suất cao. Hố trồng quýt đào với kích thước 20cm x 20cm, mỗi cây cách nhau 1,5m, sau đó bón phân hữu cơ đã qua xử lý. Khi cây chưa cho trái thì chăm sóc bình thường như những cây khác. Từ năm thứ 3 trở đi cây sẽ cho thu hoạch thì cần chăm sóc theo đúng định kỳ, phù hợp. Để quả ngọt và mọng nước thì lúc dưỡng quả rất quan trọng, phải chăm sóc đúng kỹ thuật, bón phân đủ liều lượng; thường xuyên tưới đủ nước để giữ độ ẩm cho cây. Không nên xịt thuốc diệt cỏ mà chỉ dùng máy cắt hoặc nhổ bằng tay trong gốc…”.
Quýt đường của chị Lan được người dân ưa chuộng, chọn mua. Ảnh: H'Ma.
Tại vườn của gia đình chị Lan, từng gốc quýt vững chãi, tán sum suê, nhiều cây tán rộng cho năng suất rất cao. Những cây quýt đường được đưa vào trồng trên đất đồi, đất dốc lại hợp với điều kiện thổ nhưỡng, mang đến cho gia đình chị liên tiếp những mùa quả ngọt.
Đặc biệt, với lối canh tác chủ yếu dựa vào thiên nhiên, không sử dụng thuốc trừ sâu, nên quýt của chị được xem là loại quả sạch, được thị trường ưa chuộng. Hơn 5 năm qua, từ mảnh đất khô cằn, nhiều sỏi đá của gia đình chị, nay đã được phủ lên màu xanh mượt mà của vườn quýt đường đang kỳ thu hoạch.
Không chỉ dừng lại ở cây quýt đường, gia đình chị Lan tiến hành thực hiện trồng thử nghiệm và đã thành công các loại cây như bưởi da xanh, chanh không hạt, chuối lai… Tất cả những loại trái cây này đều rất ngon, quả quanh năm được mọi người yêu thích. Với thu nhập hàng trăm triệu đồng sau khi đã trừ chi phí đầu tư từ vườn cây ăn trái, chị Lan không khỏi vui mừng bởi sau bao năm tháng vất vả gây dựng, vùng đất sỏi đá, cằn cỗi này đã không phụ công người làm nên mùa quả ngọt.
Từ thực tế của gia đình chị Lan đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Nâm N’đir thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mang đến cơ hội đổi đời, vươn tới cuộc sống ấm no trên vùng đất khô cằn này…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn