Nước vào đầy chân ruộng giúp bà con xã Thạch Đài (Thạch Hà) tỉa dặm lúa nhanh hơn. |
Không nói hết nỗi vui mừng của bà con nông dân ở các xã phía Tây Thạch Hà khi đón cơn mưa “vàng” vào những ngày cuối tháng 6. Nằm ở cuối nguồn tưới của kênh N1-65 và N1-5 của Kẻ Gỗ nên gần như năm nào Thạch Lâm, Thạch Hương, Thạch Xuân, Thạch Đài cũng phải chịu “thiệt thòi” nguồn nước tưới. Dù địa phương đã phối hợp với đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cố gắng “ép” nước về nhưng giữa “tâm” nắng nóng, nhu cầu nước lên cao nên đến hết thời vụ, diện tích có nước tưới chẳng được bao nhiêu. Trong khi đó, số diện tích đã gieo trồng cũng nhanh chóng khô khốc, cạn nước.
Chị Nguyễn Thị Liên (xóm Thái Đông, Thạch Lâm) cho biết: “Đối với cây lúa thì “nhất nước, nhì phân”, mấy ngày qua, tôi cứ thắc thỏm không yên vì lo lúa chết nắng. Bây giờ thì yên tâm rồi, toàn bộ ruộng đồng đã no nước, chẳng mấy chốc, cây sẽ phát triển nhanh, khỏe trở lại”.
Chẳng quản lúc trời đang trút nước, bà con nông dân vẫn tranh thủ “đội mưa” ra đồng tỉa dặm cho lúa để cây trồng có điều kiện sinh trưởng tốt nhất. Anh Nguyễn Văn Thành (xóm Liên Vinh, Thạch Đài) phấn khởi: “Một trận mưa còn gấp mấy lần bón đạm, chỉ mới mấy ngày no nước, cây lúa đã lấy lại được màu xanh. Dù trời mưa nhưng tôi vẫn ra đồng tranh thủ tỉa dặm, cũng là để kiểm tra đồng ruộng, đắp bờ những chân ruộng cao hoặc tháo những nơi nước ngập quá ngọn”.
Cách đây chưa đầy 1 tuần, những cánh đồng ở Hà Linh (Hương Khê) bạc trắng, không còn cách nào khác, xã phải chuyển đổi gần 90 ha sang trồng đậu. Thế nhưng, người nông dân cũng “bạc mặt” mới gieo trỉa xong 340 ha đậu vì đất đã bị nắng nung thành đá, cứng đét và khô khốc. Đang thấp thỏm lo âu thì mưa tới. Ông Phan Đình Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Đúng là mưa vàng, mưa bạc chị ạ, bà con phấn khởi lắm! Vừa gieo trỉa xong được 2 ngày là có nước trời tưới tắm. Mưa làm đất tơi xốp hơn, độ ẩm tăng lên, không khí dịu xuống sẽ giúp cho cây nảy mầm nhanh”. Không chỉ cây trồng, bà con khắp nơi cũng đang phấn khởi vì chẳng còn phải lo khát nước ăn, nước sinh hoạt.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của bão số 1, từ 22 - 24/6, Hà Tĩnh xuất hiện mưa, mưa vừa đến mưa to. Hiện nay, áp thấp nhiệt đới vừa hình thành ngoài khơi Philippines đang nhanh chóng mạnh lên thành bão, dự báo từ nay đến cuối tuần, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục xảy ra mưa vừa đến mưa to. Đợt mưa kéo dài trong 3 ngày vừa qua không chỉ làm dịu mát không khí nóng nực suốt 2 tháng qua mà còn bổ sung một lượng nước đáng kể cho đồng ruộng, chấm dứt tình trạng “khát” nước sinh hoạt ở các huyện miền núi như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê. Điều đáng nói, cơn mưa xuất hiện đúng vào thời điểm tưới dưỡng cho lúa. Nguồn nước này như một món quà quý giá đến đúng lúc để cây trồng hấp thu và sinh trưởng tốt nhất ở giai đoạn đẻ nhánh sắp tới. Tất nhiên, đơn vị quản lý, điều tiết nước có thể yên tâm đóng cống đợt tưới dưỡng này để tiết kiệm cho các đợt tưới cuối vụ.
Ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Đến thời điểm này, có thể nói, nước dân sinh đã “thoát” hạn. Giếng khơi, giếng khoan được bổ sung nguồn nước mới, mưa trong nhiều ngày sẽ tạo điều kiện để bà con lấy được nước sạch và dự trữ cho cả mùa hè. Đối với ao hồ, sông suối, đợt mưa trong mấy ngày qua dù khá đồng đều nhưng cường độ nhỏ, chưa tạo thành dòng chảy để bổ sung nước cho các hồ, đập. Vì vậy, nỗi lo về nước tưới chỉ tạm lắng chứ chưa thể yên tâm. Các địa phương vẫn phải chỉ đạo bà con nông dân thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước tối ưu, tốt nhất giữ nước trong mặt ruộng, nhằm tiết kiệm các lượt tưới để dành nước cho cuối vụ. Một vấn đề rất quan trọng, các gia đình cũng cần lên kế hoạch tiết kiệm nước, tránh lãng phí, chủ động tích trữ để vừa đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, vừa giảm áp lực cho đầu nguồn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn