Được Hội ND TP.Cần Thơ giới thiệu, chúng tôi đã tìm gặp ông Mười Cương và được ông giới thiệu về sự nghiệp gắn bó với cây ca cao cũng như những việc làm để phát triển loại cây có hương vị đặc biệt trên vùng đất Tây Đô này.
Cả đời gắn bó với cây ca cao
“Cây ca cao rất hợp thổ nhưỡng ở huyện Phong Điền nên cho trái tốt và có mùi vị thơm đặc biệt hơn các địa phương khác, khi chế biến ra các sản phẩm như sôcôla, mỹ phẩm hay nước uống sẽ không nơi nào sánh được. Đó là lý do mà tôi đã dành cả cuộc đời để phát triển loại cây này” – ông Mười Cương mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Ông Mười Cương nói, sau khi đất nước giải phóng, cuộc sống người dân ở TP.Cần Thơ bắt đầu ổn định thì ngành nông nghiệp huyện cấp phát cây ca cao cho người dân trồng (mỗi hộ được 300 cây), trong đó có gia đình ông. 3 năm sau đó cây ca cao bắt đầu cho trái thì cũng là lúc phần lớn diện tích đã bị chặt bỏ bởi vì người dân không biết sử dụng trái ca cao để làm gì. Riêng gia đình ông Mười Cương thì giữ lại, tiếp tục chăm sóc.
“Lúc đó, cây ca cao phát triển tốt và cho trái sai lắm, đốn bỏ thì không nỡ. Cũng nhờ mày mò từ sách, báo mà tôi dần tìm hiểu được một số công dụng của hạt ca cao và dần học cách chế biến tay (thủ công) thành những sản phẩm như sôcôla, bột ăn hoặc uống...để sử dụng trong gia đình vào dịp đám giỗ, lễ, tết. Vì sản phẩm làm ra ngon, được mọi người khen ngợi nên mỗi khi đến mùa thu hoạch ca cao, tôi đều làm và dần cải thiện về mặt chất lượng” - ông Mười Cương nhớ lại.
Để làm ra mỗi sản phẩm từ ca cao, ông Mười Cương phải mất rất nhiều thời gian, phải trải qua khá nhiều công đoạn. Cụ thể, từ trái tươi, ông Mười Cương tách hạt, lấy hạt ủ lên men 7 ngày, sau đó đem ra phơi cho hạt thật khô rồi đem rang đến khi hạt chính thơm. Sau khi rang, ông tiếp tục tách vỏ hạt (vỏ lụa) lấy phần nhân hạt xay nhuyễn thành bột nhão (ca cao nhão). Ca cao nhão khi cho vào khuôn để qua đêm sẽ tự khô lại thành ca cao khối. Từ ca cao khối, ông cho vào một dụng cụ có lực ép mạnh sẽ ra 2 loại: Bơ ca cao trắng (có nhiều vitamin và collagen, dùng làm sô cô la, mỹ phẩm – kem dưỡng da, son môi) và bột ca cao khô (dùng pha nước uống).
Sản phẩm ca cao của ông Mười Cương dần được nhiều người dân trong huyện biết và đến học hỏi cách làm. Theo đó, ngành chức năng địa phương, một số khách từ Liên Xô, Đông Âu cũng tổ chức nhiều đoàn đến tham quan, tìm hiểu. Không lâu sau, giá trị của cây ca cao cũng đã được các bộ, ngành T.Ư quan tâm. Nhận thấy ca cao có khả năng xuất khẩu nên năm 1980, ngành nông nghiệp đã có chương trình hỗ trợ người dân ở các địa phương vùng ĐBSCL trồng, phát triển cây ca cao. Theo đó, ông Mười Cương được cung cấp, hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ ươm 200.000 cây giống ca cao để phân phối, hướng dẫn cho người dân trong vùng sản xuất.
Về lĩnh vực sản phẩm làm ra từ ca cao, lúc đầu, gia đình ông Mười Cương chỉ làm với số lượng ít để đãi khách và tặng về làm quà. Về sau, khách du lịch và một số công ty du lịch ở Cần Thơ như: Công ty Du lịch Cần Thơ (Ninh Kiều), Công ty Khách sạn Cần Thơ, các công ty như Vinacafe, Bánh kẹo Biên Hòa và một chế công ty chế biến thực phẩm khác đã gọi điện đặt hàng với số lượng ngày càng tăng.
Qua sự giới thiệu của Trường Đại học Cần Thơ, năm 1990, ông Mười Cương đã đồng ý chuyển giao quy trình công nghệ chế biến ca cao dạng thủ công cho Công ty Ca cao Cửu Long (Vĩnh Long) – một công ty nhà nước sản xuất sản phẩm ca cao đầu tiên ở ĐBSCL. Theo đó, ông Mười Cương đã dành thời gian 3 tháng đến công ty, thiết kế máy, hướng dẫn cho công nhân làm theo đúng quy trình.
Làm du lịch để quảng bá nông sản
Năm 2000, được sự tài trợ của Hội ND Mỹ và một số tổ chức của Hà Lan, Bộ NNPTNT tiếp tục giao cho các ngành chức năng, Viện trường trên cả nước nhân giống và đưa xuống cho dân trồng ca cao. Thế nhưng, không bao lâu sau, giá ca cao sụt giảm, khiến cho người dân hoang mang, không đầu tư chăm sóc hoặc đã đốn bỏ phần lớn diện tích ca cao để trồng bưởi. Riêng ông Mười Cương thì ngược lại, không những không đốn bỏ mà ông còn bỏ thêm vốn đầu tư chăm sóc cho trên 2.000 cây ca cao trong 1,2ha vườn của mình. Ngoài ra, ông còn đầu tư xây thêm đường, trang trí khu vườn của mình trở thành điểm tham quan du lịch.
“Tôi muốn làm du lịch để giới thiệu đến bạn bè thế giới về cây ca cao ở Việt Nam nói chung và ở huyện Phong Điền nói riêng. Trung bình, mỗi tháng tôi đón tiếp khoảng trên 100 người khách nước ngoài tham quan, còn khách ở homestay là hàng chục người. Chúng tôi nhiệt tình, quý khách như người trong nhà nên khách rất thích. Tôi cũng rất mừng là thời gian qua, tôi được sự phối hợp, giúp đỡ của Trung tâm Xúc tiến thương mại du lịch huyện Phong Điền và Sở VHTTDL TP.Cần Thơ” – ông Mười Cương khoe.
Để đón tiếp khách được chu đáo, ông Mười Cương đã in sẵn chương trình du lịch homestay (2 ngày, 1 đêm) rất hấp dẫn và bài bản. Theo chương trình này thì du khách phương xa sẽ được đón từ trung tâm quận Ninh Kiều. Sau đó, du khách sẽ được đi bằng tàu xuôi theo dòng sông Cần Thơ hướng đến Mỹ Khánh. Khi đến ấp Mỹ Ái, du khách sẽ được các thành viên trong gia đình ông Mười Cương đón tiếp và bắt đầu khám phá.
Gia đình ông Mười Cương không chỉ tiếp khách nước ngoài mà còn tiếp rất đông khách trong nước và là nơi hướng dẫn sinh viên ngành nông nghiệp làm luận văn cuối khóa. Theo ông Mười Cương, khu vườn của ông còn là nơi thực tập của rất nhiều đoàn sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn thành phố. Nhận lời mời của các trường, đến nay, ông cũng đã đứng lớp, giảng dạy hàng chục lớp cho hàng trăm sinh viên các trường về cách trồng, chăm sóc cây ca cao và chế biến ca cao.
Ông Mười Cương còn cho biết thêm, với sự tư vấn, hướng dẫn thêm của GS Phan Phước Hiền – Trường Đại học Nông lâm Thủ Đức, ông vừa làm thành công rượu vang ca cao. Để làm được sản phẩm này, ông đã ép hạt ca cao tươi để lấy nước mật, rồi sẽ lấy loại nước này cho lên men trực tiếp thành rượu vang. Theo đó, 1 tấn trái ca cao sẽ làm ra 20 lít rượu vang, với độ cồn khoảng 9-10oC, loại rượu này rất thơm ngon, hợp khẩu vị nhiều người nên ông dùng tiếp khách du lịch vào buổi cơm trưa hoặc tối.
Nông dân thời hội nhập
Một điều làm chúng tôi bất ngờ khi trò chuyện với ông Mười Cương là ông rất thành thạo trong việc sử dụng máy vi tính. Theo chúng tôi tìm hiểu, ông Mười Cương đã tích góp tiền mua bán ca cao trong vài năm để mua được máy vi tính và trang bị thêm hệ thống mạng wifi từ khi nó mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Sau khi mua máy, ông đã tự mày mò cách lên mạng internet. Điều đặc biệt hơn nữa là ông Mười Cương còn có thể nói, viết và hiểu rành về tiếng Anh, tiếng Pháp. Ông Mười Cương cho biết, ngay từ lúc nhỏ, ông đã được cha mẹ cho đi học tiếng Pháp ở Trường Trung học cơ sở Phan Thanh Giản (nay là Trường Châu Văn Liêm, TP.Cần Thơ). Năm 1969, ông còn được đi sang Mỹ học 2 năm nên biết rành về tiếng Anh. Ông cũng từng là giáo viên dạy bằng ngôn ngữ tiếng Anh cho các học viên sửa chữa thiết bị máy bay, động cơ phản lực ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).
Không những biết 2 thứ tiếng trên, ông Mười Cương còn biết ngôn ngữ một số nước khác qua nhiều lần tiếp xúc, nói chuyện với du khách tại homestay của mình. Cũng nhờ vốn tiếng nước ngoài trên, ông dần hiểu được văn hóa, dễ tiếp cận những yêu cầu của khách. “Hiểu được ngôn ngữ của khách nước ngoài rất thuận lợi cho mình, tôi có thể nói chuyện, tâm sự thâu đêm với khách, có thể chế biến món ngon hợp khẩu vị của họ. Cần nói thêm là việc thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp còn giúp tôi tham khảo được nhiều tài liệu nước ngoài về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ca cao” – ông Mười Cương chia sẻ.
Bà LêThị Hoa - Phó trưởng Ban Kinh tế (Hội ND TP.Cần Thơ) Hiện nay, ông Mười Cương là đầu mối thu mua ca cao của nhiều nhà vườn ở TP.Cần Thơ. Những cuộc triển lãm, giới thiệu sản phẩm về nông nghiệp đều có sự tham gia của ông. Mô hình homestay của ông cũng đã được nhiều du khách biết đến, tham quan và không ngớt lời khen ngợi. Mô hình này đã giúp cho địa phương phát triển mạnh về du lịch và góp phần to lớn trong việc nâng cao giá trị của cây ca cao, giúp cho xã nông thôn mới Mỹ Khánh ngày càng phát triển. |
Để giao lưu, học hỏi với bạn bè thế giới về cách trồng, chế biến và làm du lịch vườn ca cao, ông Mười Cương còn in card visit, trong đó có một mặt in bằng tiếng Anh và một mặt in bằng tiếng Việt. Mới đây, ông còn tham gia trang mạng xã hội facebook với địa chỉ “Mười Cương”. Trên trang mạng xã hội này, ông đăng nhiều hình ảnh, thông tin, bài viết với 2 thứ tiếng Anh, Việt và kết bạn với nhiều bạn bè trong và ngoài nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ca cao.
Ông Mười Cương vừa mở địa chỉ facebook của mình vừa nói: “Ông Robert Travers – chuyên gia Marketing Du lịch thuộc Chương trình Phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do EU tài trợ đã từng đến điểm du lịch nhà tôi để tham quan. Sau khi về nước, ông này đã gửi thư khen ngợi cách làm của tôi, đặc biệt là khen các sản phẩm được chế biến từ ca cao rất ngon và đặc biệt”.
Được sự giới thiệu của ông Robert Travers, thời gian qua, trên facebook, ông Mười Cương đã làm quen được một người bạn tên Juan Cho ở BeliZe. Bên bạn Juan Cho có nhiều thứ cần học hỏi, nhất là nghề truyền thống trồng ca cao lâu đời của họ. Cũng từ facebook, nhiều người bạn đã lặn lội đường xa đến bằng được gia đình ông và giới thiệu nhiều bạn bè, kết nối tour du lịch đến đây.
Khi chúng tôi hỏi về kế hoạch trong thời gian tới, ông Mười Cương cho biết, sẽ tiếp tục phát triển vườn ca cao sẵn có. Hiện ông đang chào hàng cho một công ty của Bỉ. Thông tin từ công ty này cho ông biết, tới đây sẽ mở nhà máy ở Củ Chi và muốn mua sản phẩm của ông và nhờ ông thu mua ca cao trong vùng ĐBSCL cung cấp cho họ. “Hiện nay, ca cao khô là không có để bán, trên thế giới đang “khát” và theo nhiều thông tin dự đoán, vào năm 2020, thế giới thiếu khoảng trên 1 triệu tấn. Đây là cơ hội tốt cho nông dân trồng ca cao nước ta. Nông dân chúng ta không nên thấy rớt giá là chặt thay vào cây khác vì ít nhiều loại cây này cũng đã giúp cho nhiều nông dân có cuộc sống tốt hơn, hơn nữa theo quan niệm của một số người dân quốc tế đây là “món ngon của thần thánh”. Phía Nhà nước cần có sự can thiệp kịp thời, giúp dân tìm hướng ra cho sản phẩm” – ông Mười Cương nhận định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn