(KHTĐ) - Hệ thống tưới nước nhỏ giọt (HTTNG) là phương pháp cung cấp nước vào vùng rễ cây hoạt động theo đúng yêu cầu nước của cây trồng. Phương pháp này không chỉ tiết kiệm lượng nước tưới (từ 50 - 70% so với cách tưới truyền thống), điện năng tiêu thụ, công chăm sóc, giảm xói mòn, rửa trôi đất và chất dinh dưỡng mà còn làm tăng năng suất và chất lượng cây trồng.
Hệ thống tưới nước nhỏ giọt
Hiện các địa phương trong nước đang mở rộng diện cây trồng có áp dụng HTTNG để tăng năng suất cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế cũng như giải quyết vấn đề khô hạn, thiếu nguồn nước tưới cho sản xuất ngày càng khan hiếm. Ở Bình Phước những năm gần đây, tình trạng khô hạn, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp ngày càng diễn ra trầm trọng, nhất là vào mùa khô. Với diện tích cây công nghiệp lâu năm lớn, hơn 136.000ha điều, gần 11.000ha tiêu, gần 2.000 ha cà phê, hơn 12.000 ha cây ăn trái các loại...
nên tiềm năng áp dụng HTTNG rất có triển vọng. Tận dụng được ưu thế đó nên hiện nay rất nhiều bà con nông dân trong tỉnh đã áp dụng hệ thống này cho vườn cây của gia đình, bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Chẳng hạn mô hình tưới nước nhỏ giọt của gia đình anh Nguyễn Văn Tửng ở xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú. Anh Tửng cho biết, gia đình anh có trồng hơn 500 gốc quýt đường, để có nguồn nước tưới ổn định, nhất là trong mùa khô gia đình anh đã sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Nhờ hệ thống này, vườn quýt đường của anh luôn xanh tốt, đều trái và cho năng suất cao.
“Hệ thống này vừa giúp tiết kiệm nhân công lao động và tiết kiệm điện năng. Về nhân công lao động nếu như trước đây tôi phải mất hơn 4 triệu đồng/người/tháng, nay sử dụng hệ thống này tôi không tốn một đồng nào. Về tiết kiệm điện, nếu như trước đây phải tốn gần 2 triệu đồng/tháng, nay chỉ tốn từ 500 - 700 ngàn đồng/tháng” - anh Tửng nói.
Mặt khác, hệ thống tưới nhỏ giọt còn giúp gia đình anh Tửng giảm được chi phí cũng như tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Trước đây mỗi lần bón phân cho cây quýt, anh Tửng thường rắc phân trên bề mặt gốc cây sau đó dùng vòi tưới nên phân không ngấm sâu, một lượng lớn phân theo nước thất thoát. Ngoài ra, việc tưới nước bằng tay dễ làm sói mòn bộ rễ cây tiêu nên làm tiêu mất sức, năng suất giảm. Với hệ thống này, phân bón sau khi được hòa tan vào nước được bình áp lực hút ngược, sau đó theo hệ thống đường ống đến từng gốc cây trong vườn. Nhờ đó tận dụng được tối đa lượng phân bón, hiệu quả được nâng cao. Theo anh Tửng, đầu tư cho hệ thống nhỏ giọt tốn khoảng từ 20 đến 30 triệu đồng/ha.
Anh Nguyễn Văn Tửng chia sẻ cách làm hệ thống tưới nước nhỏ giọt:
1. Dụng cụ và vật liệu:
- Nguồn nước mạch hay nước ngầm
- 1 máy bơm thông thường động cơ chạy bằng điện, dầu, xăng hay hệ thống năng lượng mặt trời có khả năng bơm nước lên độ cao hơn 3m.
- Ống nhựa PV cứng hay mềm đường kính 30-40 hay 60mm làm ống dẫn nước chính và loại đường kính 16-21 hay 27mm làm ống dẫn phụ (đường ống xương cá).
- Các phụ kiện lắp ráp hệ thống ống gồm các co, khúc nối thẳng, khúc nối chữ T, khúc nối giảm đường kính ống, ống van cánh bướm và keo để dán các khúc nối.
- Ống nhựa dẻo đường kính khoảng 10mm hoặc nhỏ hơn để sử dụng cho việc phun nhỏ giọt. Chúng ta có thể chế đầu nhỏ giọt bằng ống và van của hệ thống truyền “nước biển” hay được dùng để truyền nước trong các bệnh viện.
- Bồn nước có thể sử dụng: inox, nhựa hay bồn xi măng. Lưu ý, khi đặt bồn phải đặt cách mặt đất hơn 3m để cho nước chảy ra đều và không bị tắc. Đồng thời bố trí một van để dẫn nguồn nước; cần 1 lưới lọc nước thô kiểu cái túi gắn vào phía trên cửa lấy nước và hệ thống mái che cho bồn chứa nước.
2. Cách làm:
- Đặt một đường ống chính, tùy vào đường kính mà bà con tự chọn (30-40 hay 60mm) ở giữa vườn cây (đường ống này đặt dưới một rãnh đào cách mặt đất khoảng 15cm hay đặt nổi trên mặt đất), điểm đầu của đường ống bắt đầu từ bồn chứa nước đến điểm cuối vườn, vị trí cần cấp nước.
- Giữa 2 hàng cây, bà con đặt 1 đường ống dẫn nước phụ (đường ống xương cá, loại ống nhựa cứng hay nhựa mềm PV 27mm) vuông góc với đường ống chính. Sau đó, dùng mũi khoan 26mm để khoan 1 lỗ ở phía trên của đường ống chính (ở chỗ vuông góc đường ống phụ với đường ống chính). Lắp 1 van khóa nước và lắp 1 co chữ T 27mm để phân nước thành 2 nhánh. Kế đến, lắp đường ống dẫn phụ 27mm vào co chữ T, dùng keo PVC dán vào chỗ nối lại.
- Nếu sử dụng đường ống dẫn nước phụ nhựa cứng bà con dùng mũi khoan 6mm khoan trên đường ống này ngang mỗi gốc cây một lỗ. Cắt một đoạn ống nhựa 7mm có chiều dài khoảng 10-15cm rồi vạt xéo nhẹ 1 đầu, tra vào lỗ khoan 6mm (sâu khoảng 0,5cm) và cứ làm như thế ở mỗi gốc cây cho đến khi hết vườn. Nếu bà con sử dụng đường ống dẫn phụ dạng nhựa mềm, bà con có thể dùng một thanh kim loại nhọn đâm một lỗ vào đường ống này ngang với mỗi gốc cây cần tưới.
- Khi nào hết nước trong bồn thì bà con dùng máy bơm nước bơm vào bồn.
3. Cách bảo quản và vận hành
- Tất cả đường ống chính và phụ cần được chôn sâu từ 15-20cm để kéo dài tuổi thọ của ống, đoạn cuối của ống nhánh cũng cần được che phủ tránh nắng và rêu phát triển trong ống.
- Thường xuyên giặt rửa lưới lọc nước trên bồn.
- Sau mùa tưới, mở khóa đầu các ống nhánh, xả bỏ cặn bẩn toàn bộ hệ thống.
Theo: khoahocthoidai.vn