Theo ông Wang Junxun, quan chức Cục Chăn nuôi và Thú y Trung Quốc, trong tháng 11 vừa qua, sản lượng lợn thịt lợn hơi đã tăng 2% so với tháng 10. Đây là dấu mốc tăng trưởng lần đầu tiên của ngành chăn nuôi lợn kể từ tháng 11 năm ngoái do số đầu lợn nái sinh sản đã tăng thêm 4% so với tháng trước đó.
Giống lợn siêu trọng lượng, đạt 750kg/con được ưu tiên phát triển mạnh trong thời gian qua ở Trung Quốc |
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 17/12, ông Wang khẳng định, xu thế giảm dần đều trong hoạt động chăn nuôi lợn đã bắt đầu đảo chiều. Thống kê cho thấy, đàn lợn tại 18 địa phương đều tăng trưởng trong tháng 11 so với 12 tỉnh thành đã báo cáo có tỷ lệ tái đàn tăng trong tháng 10.
Đặc biệt, về quy mô chăn nuôi đã có những chuyển biến theo chiều hướng hiện đại và an toàn sinh học. Cụ thể, số trang trại có trên 5.000 con/năm đã tăng tới 1,9% hàng tháng, đánh dấu mức tăng trưởng tháng thứ ba liên tiếp.
“Trong tháng 11, sản lượng thức ăn chăn nuôi trong nước cũng tăng 6,9% so với tháng trước, sau khi hai tháng trước đó cũng có sự tăng trưởng. Điều này chứng tỏ ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc đang phục hồi”, ông Wang nói.
Cùng với nguồn cung tăng, giá thịt lợn trong tháng 11 cũng tiếp tục giảm. Kết quả thống kê cho thấy, giá thịt lợn trung bình tại các chợ nông thôn là 51 nhân dân tệ (7,30 USD) mỗi kg trong tuần cuối cũng của tháng 11, giảm 12,6% so với mức cao nhất của tháng 10.
Các bà nội trợ ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam mua thịt lợn tại chợ địa phương |
Mặc dù tổng đàn lợn đã bắt đầu tăng trở lại nhưng theo các chuyên gia, phải mất khoảng nửa năm nữa số lợn vừa tái đàn mới có thể xuất chuồng. Điều này đồng nghĩa là nguồn cung thịt lợn sẽ dần hồi phục và dự báo tình trạng khan hiếm thịt gây đắt đỏ sẽ không tái diễn bắt đầu từ giữa năm 2020.
Theo SCMP, đàn lợn của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi vào tháng 8 năm 2018, khiến sản lượng thịt tại quốc gia 1,4 tỷ người thiếu hụt ít nhất 20% so với năm ngoái.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn