Nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất chăn nuôi gia súc, nhiều vùng đã xảy ra tình trạng đồng khô, cỏ cháy dẫn đến thức ăn tự nhiên không đủ đáp ứng cho gia súc. Dù các hộ chăn nuôi áp dụng giải pháp ủ chua thức ăn dự trữ cho trâu, bò, nhưng nguy cơ vẫn thiếu nếu trời tiếp tục nắng nóng.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 800.000 con trâu bò. Vấn đề thức ăn cho trâu bò đáng báo động khi nắng nóng kéo dài. Ảnh: Mỹ Hà
Chị Trần Thị Ngân ở thôn 5, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn ( Nghệ An) nói: “ Gia đình tôi nuôi bò vỗ béo gần chục năm nay. Mỗi đợt, gia đình tôi nuôi từ 10 - 12 con bò, sau 3 - 4 tháng bò được vỗ béo có thể xuất chuồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được xấp xỉ 100 triệu đồng/năm”. “Thức ăn chủ yếu cho đàn bò là 5 sào cỏ gia đình trồng được và mua thêm cây ngô tươi, nắng nóng kéo dài hàng tháng trời, cỏ cây đều chết khô hết. Tôi thật sự lo lắng , thời tiết nắng hạn khiến diện tích cỏ của gia đình đang dần chết khô, không có đủ thức ăn cho trâu, bò ăn. Cứ tình trạng như thế này, thì gia đình tôi sẽ phải bán đàn bò để bảo toàn nguồn vốn mất.”Chị Ngân nói thêm.
Nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất chăn nuôi gia súc, nhiều vùng đã xảy ra tình trạng đồng khô, cỏ cháy dẫn đến thức ăn tự nhiên không đủ đáp ứng cho gia súc. Ảnh: Mỹ Hà
Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, chị Nguyễn Thị Toàn ở thôn 1/5, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn( Nghệ An) nói: “Đã hơn 1 tháng nay không có thức ăn tươi cho đàn bò 3 con của gia đình, hàng ngày tôi phải cho bò ăn thêm cám ngô, gạo để cầm cự. Không biết bao giờ mới qua cái đợt hạn hán này đây, bình thường đàn bò nhà tôi béo lắm, nhưng hơn 1 tháng nay không có thức ăn là cỏ tươi nên con nào con nấy gầy trơ. Xót ruột lắm”.
“Tuy nhiên, giải pháp cho ăn thêm cám ngô, cám gạo cũng chỉ áp dụng cho những hộ chăn nuôi với số lượng ít, còn nếu nuôi nhiều thì khó có thể áp dụng trong thời gian dài ngày, bởi chi phí mua cám ngô, gạo cao lắm, trụ không nổi đâu”, chị Toàn nói trong ngao ngán.
Ông Nguyễn Công Trung ở thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ ( Nghệ An ) cho biết: “ Gia đình đầu tư nuôi 60 con trâu, bò thịt giống ngoại, thời gian này đang vô cùng khốn khổ vì nguồn thức ăn cho đàn gia súc không còn, mua thì quá đắt đỏ. Gia đình trồng được 3,5 ha cỏ voi, đợt nắng nóng suốt 1 tháng trước đã làm toàn bộ diện tích cỏ bị khô héo, không dám cắt...". |
Theo ông Trung, sau đợt mưa vừa rồi, cỏ đã xanh trở lại, nhưng vẫn chưa dám cắt nhiều vì sợ thời tiết tiếp tục nắng nóng, sẽ bị chết, trồng lại rất tốn kém công làm đất, giống”. Đối với những hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại, họ có giải pháp tích trữ thức ăn ủ chua bằng thân cây ngô, nhưng với thời gian hạn hán kéo dài như thế này cũng đáng lo ngại”
“Do trước đó gia đình tôi đã đầu tư mua cây ngô tươi, băm nhỏ để ủ chua với khối lượng 100m3, nên giờ có nguồn thức ăn bổ sung cho đàn bò. Tuy nhiên, do lượng thức ăn mỗi ngày phải cần tới 3 tấn, nên tôi cân đối mỗi ngày cắt khoảng 1 tấn cỏ tươi, cùng với 2 tấn thức ăn ủ chua nên đàn bò vẫn phát triển tốt. Nếu như thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài khoảng 15 ngày nữa sẽ sử dụng hết kho thức ăn dự trữ, cùng với đồng cỏ khô héo hết thì chỉ còn cách xuất bán đàn bò đi", ông Trung thở dài.
Nắng nóng kéo dài hàng tháng trời, cỏ cây đều chết khô hết. Ảnh: Mỹ Hà
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở NN và PTNT cho biết: “Giải pháp tốt nhất hiện nay là người chăn nuôi chế biến thức ăn ủ chua cho trâu bò bên cạnh đó mua thêm thức ăn tổng hợp. Bởi vì tình trạng nắng nóng kéo dài khiến các cánh đồng cỏ tự nhiên cũng như cỏ trồng của các hộ chăn nuôi bị héo khô hết”.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, trong tháng 7 thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng, vì thế nguy cơ thiếu nước uống, thức ăn thô cho gia súc vẫn xảy ra.
Theo Mỹ Hà/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/nghe-an-nang-nong-gay-gat-dong-kho-co-chay-lo-trau-bo-chet-doi-996884.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn