Thương lái thu mua keo non tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Văn Trường.
Mặc dù chưa đến chu kỳ khai thác nhưng do thiếu vốn đầu tư sản xuất, nhu cầu trang trải cuộc sống nên nhiều hộ trồng rừng ở Quỳ Châu phải bán rừng non; hệ lụy là năng suất rừng trồng thấp, giá thấp, lợi nhuận giảm sút.
Ông Lô Thuân ở xã Châu Bình (Quỳ Châu) cho biết, gia đình ông vừa bán 2,5 ha keo gần 4 tuổi, năng suất đạt 65 tấn/ha. Với giá 1 triệu đồng/tấn, gia đình ông chỉ thu về gần 40 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc.
Nhiều diện tích keo ở Quỳ Châu chưa đến chu kỳ khai thác đã được người dân thu hoạch. Ảnh: Văn Trường.
Trong khi theo một số thương lái thu mua keo, nếu keo đạt 6 - 7 năm tuổi trở lên, năng suất sẽ đạt trên 140 tấn/ha, doanh thu đạt khoảng 140 triệu đồng/ha.
Toàn xã Châu Bình có trên 500 ha keo, hàng năm thu hoạch từ 100 - 120 ha keo, hầu hết là keo chưa đủ độ tuổi. Ông Lương Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Châu Bình chia sẻ: Địa phương rất mong có các doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm ký kết với người dân để trồng rừng gỗ lớn, tăng hiệu quả kinh tế.
Keo non chỉ có đường kính từ 4 - 5 cm. Ảnh: Văn Trường
Theo ông Lê Hải Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp Quỳ Châu, toàn huyện có trên 20.000 ha rừng keo, hàng năm thu hoạch trên 2.000 ha keo, trong đó diện tích keo non chiếm hơn 30%. Với những diện tích keo thu hoạch chưa đúng chu kỳ khai thác, lợi nhuận sẽ giảm khoảng 20 triệu đồng/ha. Hiện nay, địa phương đã chỉ đạo các xã thực hiện công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ những thiệt hại khi bán keo non.
Về lâu dài, huyện Quỳ Châu tiếp tục vận động người dân trồng rừng gỗ lớn để vừa nâng cao giá trị kinh tế vừa góp phần phát triển nghề rừng trên địa bàn theo hướng hiệu quả, bền vững.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn