Về bến cá cửa Lân trong những ngày cuối năm 2016, ngay từ sáng sớm đã có rất nhiều tàu thuyền khai thác thủy sản của ngư dân cập bến. Tiếng động cơ của tàu thuyền hòa với tiếng ngư dân hò reo bỏ neo những con tàu đầy ắp cá, tôm, mực, ghẹ… người mua, kẻ bán rộn ràng cười nói làm xôn xao bến cá. Chúng tôi cảm nhận được niềm hân hoan của ngư dân huyện biển Tiền Hải năm qua đánh bắt hải sản đạt sản lượng cao, tiêu thụ tốt.
Ảnh: Quang Viện.
Ông Bùi Ðức Cương ở thôn Quang Thịnh (Nam Thịnh) chia sẻ niềm vui: Sau 20 ngày đánh bắt ghẹ tại ngư trường phía Ðông đảo Bạch Long Vĩ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng sản lượng đánh bắt của tàu gia đình tôi vẫn cao hơn so với cùng kỳ.
Hoạt động khai thác hải sản trên biển luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất trắc do điều kiện khí hậu biến đổi thất thường. Mỗi chuyến ra khơi, ngư dân chúng tôi đều mong trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió để tàu đánh bắt được nhiều tôm, cá, tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống.
Các lao động trên tàu ông Cương đều vui mừng vì ra khơi lần này sản lượng ghẹ rất cao. Sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 60 - 70 triệu đồng. Là một trong những chủ tàu được hỗ trợ vay vốn theo Nghị định số 67 của Chính phủ, gia đình ông Bùi Xuân Cử đã đóng mới chiếc tàu cá vỏ sắt theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật tàu đánh bắt xa bờ. Tàu được trang bị đồng bộ thiết bị hàng hải, hệ thống làm lạnh bảo quản hải sản, phương tiện bảo hộ cho thuyền viên trên tàu... Ðây là con tàu đầu tiên của huyện Tiền Hải được đóng mới theo Nghị định số 67 của Chính phủ để vươn khơi bám biển.
Sau khi hạ thủy, con tàu mang tên Bình An của ông Cử rẽ sóng ra khơi, phát huy kinh nghiệm nghề đánh bắt truyền thống, kết hợp với kỹ thuật khai thác hiện đại mang lại hiệu quả cao trong những chuyến đi biển. Trong những chuyến đầu đi biển, mỗi chuyến tàu Bình An đều thu về gần 700 triệu đồng.
Ông Cử tâm sự, đi biển trên con tàu hiện đại, sóng to, gió lớn chúng tôi vẫn yên tâm, tự tin, quyết tâm bám biển đánh bắt thật nhiều cá, tôm. Những ngư dân chúng tôi cũng là cột mốc xác định chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.
Ngày nay, không chỉ ông Cương, ông Cử, ngư dân các địa phương ven biển huyện Tiền Hải biết phát huy kinh nghiệm đi biển từ thế hệ cha ông kết hợp với ngư cụ, phương tiện hiện đại để thu “lộc” của biển, làm giàu cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương.
Trong những năm qua, nghề khai thác hải sản của Tiền Hải phát triển khá toàn diện, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân vùng biển cũng như phát triển kinh tế của huyện. Ngư dân mạnh dạn đầu tư nâng cấp tàu, cải tiến ngư cụ, tổ chức khai thác hoạt động theo tổ, đội.
Ðể ngư dân có thêm điều kiện vươn khơi bám biển, khai thác đạt hiệu quả, các cấp, ngành huyện Tiền Hải đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn vươn khơi, mở rộng ngư trường khai thác gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thực hiện Nghị định số 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ, Tiền Hải đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để ngư dân vay vốn. Trong đó đã có 4 chủ tàu được ký cam kết vay vốn trên 58,8 tỷ đồng, giải ngân 39 tỷ còn lại 16 chủ tàu đang trong quá trình thẩm định. Cùng với sự phát triển của đội tàu công suất lớn, các dịch vụ hậu cần nghề cá (bến cá, thu mua, sơ chế hải sản, cung cấp dầu, nước đá...) ở địa phương cũng phát triển nhanh chóng. Với 608 tàu khai thác, mỗi năm ngư dân Tiền Hải khai thác được khoảng trên 33.000 tấn hải sản, thúc đẩy kinh tế biển của huyện phát triển bền vững.
Xác định kinh tế biển là một trong những bước đột phá, Tiền Hải phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có 700 phương tiện đánh bắt hải sản.
Cơ cấu đội tàu phát triển theo hướng giảm dần tàu, thuyền có công suất nhỏ và tăng lượng tàu thuyền đánh bắt tầm trung và xa bờ, trong đó tàu có công suất trên 90CV chiếm hơn 20%.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn