Góc nghiên cứu nhỏ của “nhà khoa học” nông dân
Sinh ra trong gia đình thuần nông, từ những ngày vừa biết đến cây cuốc, hạt lúa, ông Hiền đã đam mê việc nghiên cứu giống lúa. Bởi, cứ vào vụ mùa là người nông dân lại lo đến việc chọn giống. Biết rằng, lúa giống hiện nay rất dồi dào nhưng để có được loại phù hợp với đất đai, khí hậu trên chính quê hương mình thì lại là chuyện khó tìm. “Năm 2000, tôi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trên lúa. Đến năm 2004, tôi được Hội Nông dân xã Tân An giới thiệu học lớp kỹ năng chọn tạo giống cộng đồng do Trường đại học Cần Thơ phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Từ đây, tôi tích lũy những kiến thức về: Cách phục tráng giống, cải tiến giống mới từ giống cũ bằng phương pháp lai. Tôi vừa nghiên cứu, vừa tham gia đầy đủ những lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa theo tiến bộ khoa học-kỹ thuật. Sau nhiều tháng tìm tòi, có thành công cả thất bại, cuối cùng tôi đã nghiên cứu được 12 giống lúa mới mang tên Tân Châu (ký hiệu TC1 đến TC12) vào năm 2005. Những năm sau, là sự ra đời của các giống từ TC13 đến TC29. Gần đây nhất, tôi nghiên cứu thành công giống lúa chịu phèn (TC6). Hiện, tôi đang nghiên cứu giống lúa có thể chịu được độ mặn 15 phần nghìn. Bởi, trước sự biến đổi của khí hậu, tôi muốn nhanh chóng lai tạo giống lúa chịu được thời tiết khắc nghiệt nhất, phục vụ việc sản xuất người nông dân” – ông Hiền chia sẻ.
Chính sự kiên nhẫn, không ngừng học hỏi, người nông dân trẻ năm nào đã bỏ gần nửa đời mình gắn bó với cây lúa quê hương. Phó Chủ tịch Hội Nông dân TX. Tân Châu Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Những giống lúa được ông Hiền lai tạo có đặc tính thích nghi rộng với thổ nhưỡng vùng đồng bằng sông Cửu Long, như: Cứng cây, chống đổ ngã, sức chống chịu cao, kháng đạo ôn và kháng rầy, năng suất từ 6- 8 tấn/héc-ta. Sau thời gian trồng thử nghiệm, nông dân trong và ngoài tỉnh đều biết đến giống lúa TC cũng như người lai tạo ra nó”.
Từ ngày dấn thân với công việc nghiên cứu, ông Hiền dành tất cả ruộng đất cho vợ canh tác để nuôi con. Phần mình, ông chỉ dùng 4.000m2 đất để tập trung lai tạo giống mới, phục vụ sản xuất. Tự nhận bản thân “có lỗi với gia đình” nhưng theo ông, để làm được việc lớn thì phải biết hy sinh. “Tôi may mắn vì có người vợ luôn thấu hiểu công việc của chồng nên không hề phàn nàn. Bà ấy chỉ đứng phía sau động viên chứ chưa bao giờ ngăn cản. Nhiều lúc, việc nghiên cứu thất bại, vợ lại góp vốn để tôi tiếp tục với niềm đam mê” – ông Hiền bộc bạch.
Từ ngày giống lúa TC được biết đến cũng là lúc “nhà khoa học” nông dân Hoa Sĩ Hiền bận rộn hơn. Mỗi năm, ông đều đón nhiều đoàn sinh viên của Trường đại học An Giang và Đại học Cần Thơ về thực tập trên mảnh ruộng của mình. Ngoài ra, nhiều nông dân gần xa cũng đến học hỏi, xin giống lúa TC về trồng. Quanh nhà người nông dân này, chúng tôi chỉ thấy toàn là lúa và lúa. Đó là những giống lúa lai tạo thành công, được thị trường đón nhận. Nơi làm việc của ông chỉ duy nhất hai chỗ: Ruộng lúa và bàn nghiên cứu. “Nghiên cứu xong, tôi lại ra đồng và ngược lại. Những lúc vào vụ sản xuất, việc sàng lọc lúa là vất vả nhất. May nhờ được hỗ trợ một máy sàng lọc hạt (15 triệu đồng) từ quỹ Tiếp sức tài năng, tôi tiết kiệm được nhiều thời gian hơn”.
Với những đóng góp lớn lao trong nghiên cứu, lai tạo giống lúa, ông Hiền nhận được 7 Bằng khen của UBND tỉnh, 2 Bằng khen Trung ương và nhiều Giấy khen của thị xã vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất lúa theo hướng công nghiệp hóa”. Ngoài ra, ông còn được tuyên dương về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (năm 2014) tại Hà Nội. Đây là nguồn động viên tinh thần to lớn, tiếp thêm sức mạnh những khi ông gặp khó khăn.
PHƯƠNG LAN
Nguồn tin: Báo An Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn