Năng suất cao gấp 3 lần
Qua nhiều năm tích lũy tiền, ông Thạch Chêne (ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú) đã mua được 4.000 m2 đất để trồng lúa. Tuy nhiên, do khu vực ấp Tha La thường thiếu nước nên lúa luôn bị thất mùa. Vì vậy, 3 năm trở lại đây, ông Chêne đã chuyển sang trồng bắp giống CS 03, sau khi trừ phi phí, mỗi vụ (khoảng 3,5 tháng), ông Chêne thu lời khoảng 4 triệu đồng. Lão nông Thạch Chêne nói: “Trồng bắp là ăn chắc bởi có công ty bao tiêu sản phẩm. Tổ trồng bắp giống chúng tôi có 88 hộ với 47,7ha, hầu hết đã thoát nghèo hết rồi, nhiều nhà tường khang trang đã được dựng lên”.
Cũng như ông Chêne và ông Trường, với diện tích 3.500 m2 trồng đậu phộng (lạc), bà Thạch Thị Sa Ri (ngụ ở ấp Tụa, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang) vừa thu được 4 tấn đậu phộng vụ đông xuân 2014-2015, với giá 11.000 đồng/kg, bà thu lời khoảng 20 triệu đồng.
Đổi thay diện mạo nông thôn
Bà Phạm Thùy Linh - cán bộ nông nghiệp xã Nhị Trường cho biết: Xã Nhị Trường có 80% người dân là người Khmer. Để giúp bà con cải thiện cuộc sống, từ năm 2012 đến nay, xã đã chuyển đổi 649/1.890,88ha đất lúa sang trồng màu.
“Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa mang lại hiệu quả cao, xã Nhị Trường thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng màu, không ngừng mở rộng hệ thống thủy lợi và đường giao thông nông thôn. Vì vậy, việc đi lại, mua bán, vận chuyển trên địa bàn xã rất thuận lợi” – bà Linh thông tin.
Ông Huỳnh Văn Đừng – Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Biên cho biết thêm: “Hiện nay, người dân các ấp Tha La, Tắt Hố, Rạch Bót… đang rất phấn khởi vì thu hoạch cây màu trúng mùa và được giá. Năm 2011, toàn xã chỉ có 3ha cây màu nhưng hiện nay đã lên trên 100ha, theo đó các vùng sản xuất đều được đầu tư hệ thống nước tưới và điện hoàn chỉnh. Từ việc sản xuất cây màu có hiệu quả mà tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm đáng kể, từ 35% vào năm 2011 xuống còn 14,12% vào năm 2014”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn