Theo Dự thảo, Nhà nước sẽ đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu của cảng cá loại 1, khu neo đậu tránh trú bão, trạm bờ và các thiết bị đầu cuối lắp trên tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần ở vùng biển xa, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS)… Ngoài ra, còn tập trung vào chính sách khuyến khích đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, NTTS và hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ…
Nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ - Ảnh: Xuân Trường
Cùng đó, là chính sách tín dụng tạo điều kiện cho chủ tàu khai thác thủy sản và tàu dịch vụ hậu cần xa bờ vay vốn trung, dài hạn với hạn mức bằng 90% tổng giá trị tàu có vỏ thép, vật liệu mới; 70% tổng giá trị tàu vỏ gỗ (bao gồm cả ngư cụ, thiết bị trên tàu). Lãi suất cho vay tối đa là 3% trong thời hạn 10 năm và 1 năm ân hạn. Nhà nước cũng sẽ cho vay lưu động với tối thiểu 60% giá trị hợp đồng cung cấp dịch vụ hậu cần, tiêu thụ hải sản và 200 triệu đồng/năm với tàu khai thác hải sản. Liên quan đến chính sách bảo hiểm, Nhà nước sẽ hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm cho thân tàu; 100% kinh phí bảo hiểm con người cho tàu đánh bắt xa bờ, tàu dịch vụ nghề cá xa bờ… Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiên cứu tiêu chí của loại tàu hậu cần nghề cá để áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư, đồng thời xác định đối tượng (thương lái, người am hiểu nghề đi biển hay Nhà nước) sẽ tham gia vào lĩnh vực này.
Dự kiến, Chính phủ sẽ trực tiếp nghe các tổ chức, cá nhân tham gia đánh bắt thủy hải sản xa bờ góp ý để hoàn thiện và ban hành Nghị định trong thời gian sớm nhất.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn