Hỏi: Tôi ở Hải Dương muốn trồng táo cần lưu ý những gì?
Trả lời: Muốn thâm canh táo hiệu quả trước tiên bác cần phải chọn giống tốt. Các giống táo phổ biến ở miền Bắc là giống Đào vàng, Đại táo 15 và giống siêu ngọt Thái Lan.
Với giống Đại táo 15 muốn có năng suất cao, phẩm chất, mẫu mã tốt bác cần phải đầu tư lượng phân bón cao hơn những giống khác, nhất là giai đoạn táo đang phát triển quả đến chín (cần bón đủ, cân đối và tăng kali thì quả sẽ rất ngọt, to, đẹp). Mặt khác cần phải làm giàn khung thích hợp để nâng đỡ các cành táo mang quả vì giống này nếu chăm sóc tốt quả rất to (8 - 10 quả/kg).
Việc định quả (tỉa bỏ quả chỗ mọc dày) cho giống táo này là việc làm cần thiết để tạo cho các quả được đồng đều, mẫu mã, chất lượng cao, khi bán sẽ được giá hơn là để quả mọc tự do.
Trong quá trình thâm canh bác cần lưu ý giống Đại táo so với các giống táo Đào vàng thường chín muộn hơn (trước và sau Tết Nguyên đán). Thời kì cây mang quả đến chín thời tiết ít nắng, ẩm độ cao sẽ không thuận lợi cho táo vào đường. Ẩm độ cao còn là điều kiện thích hợp cho các loài nấm nguy hiểm như sương mai, phấn trắng phát sinh và gây hại táo mạnh. Do đó ở thời điểm cây ra hoa đến quả non (1 tháng) bác cần phun thuốc phòng bệnh cho táo định kỳ 3 lần.
Ngoài ra cần phải phòng trừ tốt đối tượng ruồi vàng, sâu đục quả khi thâm canh các giống. Ruồi vàng thường tấn công mạnh khi táo báo chín đến chín rộ, tốt nhất bác nên dùng bả dẫn dụ (đạt 5 bẫy/sào khoảng 20 ngày thay mồi 1 lần) hoặc treo miếng mút có tẩm thuốc muỗi để xua đuổi (mỗi cây treo 1 miếng mút 10cm2). Với sâu đục quả cần phun thuốc trừ từ lúc cây ra hoa đến lúc quả non nếu phát hiện có lứa sâu gây hại.
Táo sau khi thu hoạch cần đốn tỉa cành để cây ngủ đông. Việc đốn táo sẽ quyết định để cây ra hoa quả sớm hay muộn năm sau. Nếu chỉ phát cành nhỏ mà không cưa cành lớn thì năm sau sẽ có táo chín sớm để bán. Ngược lại nếu đốn đau (cưa cành gần gốc) thì táo sẽ bật mầm phát triển ra hoa đậu quả muộn.
Hỏi: Xin chuyên gia cho biết làm cách nào phòng trừ có hiệu quả sâu đục thân hại mía?
Trả lời: Đục thân là một dịch hại khá phổ biến ở các vùng chuyên canh cây mía của nước ta hiện nay. Theo các nhà chuyên môn thì trên mía thường có 5 loài chính là sâu đục thân mình vàng, sâu đục thân mình hồng, sâu đục thân mình trắng, sâu đục thân 4 vạch và sâu đục thân 5 vạch.
Trong đó sâu đục thân mình vàng và mình hồng hại giai đoạn mầm, còn sâu đục thân mình trắng, 4 vạch và 5 vạch hại giai đoạn vươn lóng trở đi. Sâu đục vào cắn phá làm chết mầm, cây con và làm hư ruỗng bên trong thân cây lớn, làm cây sinh trưởng phát trưởng kém, giảm năng suất và hàm lượng đường trong cây, gây thất thu rất lớn cho người trồng.
Để hạn chế tác hại của sâu, có thể áp dụng một số biện pháp chính sau đây:
- Sau mỗi vụ thu hoạch thu gom sạch sẽ tàn dư cây mía của vụ trước đốt tiêu hủy để tiêu diệt ổ trứng, sâu, nhộng, tránh lây lan cho vụ sau.
- Tùy theo tình hình thực tế đất đai, tập quán canh tác, khả năng đầu tư thâm canh… mà sử dụng những giống mía phù hợp có khả năng chống chịu được với sâu.
- Bóc tỉa lá già, làm sạch cỏ để vườn luôn thông thoáng.
- Khi cây mía còn nhỏ, phải thường xuyên cắt bỏ những cây bị héo đọt đem tiêu hủy để tiêu diệt sâu bên trong, tránh lây lan cho cây xung quanh.
- Có thể dùng một trong những loại thuốc trừ sâu dạng hạt như Diazan10GR, Basudin 10G, Diazinon 10H, Diaphos 10GR, Vicab 4H, Padan 4H... rải vào rãnh mía, lấp đất mỏng rồi đặt hom giống hoặc rải vào luống sát gốc mía rồi vun. Theo dõi diễn biến của sâu trưởng thành, và trứng để kịp thời phun thuốc khi sâu non mới nở chưa kịp đục vào trong cây bằng một trong những loại thuốc như Padan 95SP, Goltoc 250EC, Supracide 40ND, Ofatox 400EC, Diaphos 50EC, Diazan 50EC…
Về liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất có in trên nhãn thuốc.
Theo: Vũ Ngọc - Đồng Đức/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn