Bà con nông dân Can Lộc chăm sóc lúa xuân sau rét |
Gần 1 tuần nay, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đều tất bật tập trung chăm sóc vụ lúa chính trong năm. Gia đình chị Hoàng Thị Thu (thôn 8, xã Phúc Đồng, Hương Khê) vừa hoàn thành làm cỏ cho ngô thì đến kỳ chăm sóc lúa. Do ảnh hưởng của đợt rét kỷ lục, trong số 1 mẫu ruộng thì chị phải gieo lại 4 sào và cấy 1 sào. Mặc dù đã phục hồi cơ bản diện tích lúa nhưng mật độ lại không đều.
Chị Thu cho biết: “Vụ này, việc tỉa dặm vất vả lắm, trên cùng một sào nhưng có nơi lúa phát triển, nơi lại lụi dần. Nhiều nơi chúng tôi phải nhổ lên cấy lại để phủ hết diện tích. Dồn hết công sức gần 1 tuần nay nhưng vẫn chưa xong. Đã thế, bọ trĩ và rầy đã bắt đầu xuất hiện, tôi phải phun trừ sâu bệnh 2 lần rồi mà vẫn chưa yên tâm”.
Hơn 1 tháng trôi qua kể từ ngày gieo giống, bà Bùi Thị Năm (xóm Tiến Bộ, Thạch Tân - Thạch Hà) “nín thở” chờ cây lúa vượt ngưỡng thử thách của thời tiết. Bà Năm cho biết: “Sau Tết Nguyên đán, thời tiết thuận lợi nên lúa phục hồi khá tốt. Nghe thông báo nước thủy lợi mở nên sáng nay phải gác lại mọi việc để ra đồng lấy nước, chuẩn bị cho kỳ tỉa dặm sắp tới. Nếu nhanh thì khoảng 3-4 ngày tới, tôi sẽ hoàn thành việc tỉa dặm”.
Những cánh đồng đang trải dài một màu xanh non mới. Đâu đó, bà con phấn khởi xúc những luống mạ khỏe khoắn cấy nốt những diện tích còn bỏ trống do rét. Cây lúa sẽ bước vào thời kỳ đẻ nhánh. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, bên cạnh việc tập trung tỉa dặm kịp thời, bà con nông dân cần tuân thủ các quy trình chăm sóc nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cây lúa phát triển.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Thời gian này, ưu tiên trước nhất vẫn là cấy hết diện tích theo đúng kế hoạch, phấn đấu đến 5/3 hoàn thành gieo cấy. Đối với những diện tích đã phục hồi thì cần lấy nước đủ vào mặt ruộng nhằm kích thích lúa đẻ nhánh nhanh, khỏe. Đặc biệt, thời tiết rất thuận lợi để bà con tập trung tỉa dặm, nhất là đối với những diện tích mật độ chưa đều. Cùng với đó, bón thúc đẻ, tăng cường phân bón lá nhằm hỗ trợ cây lúa sinh trưởng tốt hơn”.
Trong khi đó, ở nhiều địa phương, đồng ruộng đã xuất hiện nhiều loại đối tượng sâu bệnh, đe dọa sự sinh trưởng của lúa. Điển hình là bọ trĩ, chuột. Tuy mức độ gây hại chỉ mang tính cục bộ, phân bố rải rác nhưng lại phổ biến khắp các cánh đồng. Hiện nay, bà con nông dân đã tiến hành phun phòng trừ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, thậm chí, có nơi phun lần 2 nhưng loại sâu bệnh này vẫn chưa hết thời gian phát sinh gây hại.
Cũng theo ông Nguyễn Trí Hà, bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên, theo dõi tình hình phát sinh của các loại sâu bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời, đúng kỹ thuật để bảo vệ mùa màng.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn