Xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục tăng
Theo số liệu ước tính của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2014 ước đạt 10,3 tỷ USD, giảm 11,5% so với tháng 12/2013 và giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2013. Nhóm hàng nông sản, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,51 tỷ USD, giảm 15,8% so với tháng 12/2013, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 14,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Lý giải cho tình trạng này là do tháng 1 rơi vào thời gian nghỉ Tết, nhưng cũng đã có những chuyển biến mạnh ở hai nhóm hàng so với cùng kỳ là thủy sản ước đạt 540 triệu USD, tăng 13,1%; hạt điều ước đạt 84 triệu USD, tăng 3%.
Ông Đào Việt Anh, Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết: tiềm năng xuất khẩu của ngành nông sản vẫn khá rộng mở nhất là với thị trường truyền thống Trung Quốc. Ví dụ như Vinamit là một trong những thương hiệu nông sản Việt Nam được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Các sản phẩm hoa quả sấy khô của Vinamit hiện đã có mặt ở khoảng 10 hệ thống siêu thị ở Trung Quốc như Walmart, Carre Four, Lotus... Chỉ riêng tại Walmart, doanh số của Vinamit vào khoảng 3-5 triệu USD/năm.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quan trọng của Việt Nam với kim ngạch tăng trưởng bình quân đạt 35,9%/năm trong 3 năm trở lại đây. Sản lượng xuất khẩu nông sản chiếm đến 41% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, bằng 14% kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, nếu gia tăng được lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, có thể góp phần thu hẹp dần cán cân thương mại giữa hai nước. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Quốc là cao su, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, thủy sản, rau quả, nhân điều…
Nguyên nhân khiến các mặt hàng nông sản Việt ngày càng được Trung Quốc ưa chuộng là do Việt Nam và Trung Quốc có vị trí địa lý gần gũi, lại có những điểm tương đồng nhất định về thói quen sử dụng hàng hóa, thực phẩm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các vụ bê bối về hàng nhái, hàng giả, hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, người dân Trung Quốc đang có xu hướng chuyển sang dùng các sản phẩm nhập khẩu thay vì sử dụng hàng nội địa, trong đó hàng Việt chính là một trong những lựa chọn.
Doanh nghiệp cần chú ý thông tin thị trường
“Trung Quốc không phải là thị trường quá khó tính và khắt khe đối với các sản phẩm nông sản nhập khẩu”, theo ông Đào Việt Anh (Bộ Công Thương). Tuy nhiên, với mức độ hội nhập sâu rộng của Việt Nam như hiện nay, các DN cũng cần chú ý đến các quy định, các đặc điểm mang tính đặc trưng của thị trường này để tận dụng những lợi thế nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc.
Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐTV Vinamit cho biết, mặc dù hoa quả sấy khô là sản phẩm được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng nhưng ít ai biết rằng, ở thời điểm đầu tiên, khi chọn hoa quả sấy làm sản phẩm để xâm nhập vào Trung Quốc, không ít người cho rằng đây là quyết định điên rồ. Bởi lẽ hoa quả sấy là sản phẩm hoàn toàn mới, chưa có DN Việt Nam nào sản xuất và xuất khẩu sang thị trường này.
Tuy nhiên, bằng cách quyết tâm theo đuổi sản phẩm một cách nghiêm túc, từ việc học bài bản về sản phẩm hoa quả sấy khô đến đầu tư công nghệ hiện đại và từng bước xâm nhập vào thị trường bắt đầu bằng những con đường gian nan nhất như bến xe, vỉa hè… các sản phẩm của Vinamit đã từng bước chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng rồi đàng hoàng tiến vào các hệ thống siêu thị bán lẻ lớn.
Để làm được điều này, theo ông Viên: Thứ nhất, sản phẩm phải phù hợp với nhu cầu của người dân Trung Quốc. Thứ hai, hàng hóa phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thứ ba, sản phẩm phải được đăng ký thương hiệu để tránh việc bị làm nhái, làm giả. Thứ tư, hàng nên được xuất khẩu theo đường chính ngạch để tận dụng những ưu đãi thuế quan và có thể làm việc lâu dài với các đối tác có uy tín. Thứ năm, phải nghiêm túc và kiên trì trong việc đưa hàng vào các hệ thống phân phối.
“Khó khăn nhất đối với DN xuất khẩu, đặc biệt khi làm việc với thị trường Trung Quốc là thiếu thông tin thị trường cũng như cơ sở pháp lý cho hoạt động giao thương. Hiện ở mỗi thị trường nước ngoài ta đều có cơ quan Thương vụ. Đây chính là “cầu nối” đắc lực cho hàng nông sản nói riêng và hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc nói chung”, ông Viên nói.
Khả năng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ được mở rộng hơn nữa bởi lẽ ngày 13/10/2013, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, thừa ủy quyền của hai Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc đã ký Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về việc thành lập văn phòng xúc tiến thương mại tại mỗi nước.
Theo đó phía Việt Nam sẽ mở văn phòng xúc tiến thương mại đầu tiên tại thành phố Trùng Khánh và sau đó là một số địa phương khác của Trung Quốc. Đây chính là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu nông sản sang thị trường rộng lớn và còn đầy tiềm năng này.
Lan Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn