Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu đề tài áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng tại tỉnh. Hiệu quả của mô hình mở thêm hướng nuôi lươn mới, góp phần giải quyết bài toán kinh tế cho người dân.
Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng triển khai ở Khánh Hòa.
Thạc sĩ Lê Hoài Nam - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh, chủ nhiệm đề tài cho biết, lươn đồng là loại thủy đặc sản có giá trị kinh tế vì giá trị dinh dưỡng cao, được dùng như một loại dược liệu chữa bệnh. Tại Khánh Hòa, kỹ thuật nuôi lươn không bùn được người dân tiếp cận từ năm 2013 nhưng chủ yếu mang tính tự phát. Ngoài ra, người dân sử dụng con giống đánh bắt tự nhiên hoặc lấy giống không có nguồn gốc rõ ràng dẫn tới tỷ lệ hao hụt cao, hiệu quả kinh tế thấp.
Để nghề nuôi lươn không bùn phát triển ở quy mô ổn định, mang tính bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế, trung tâm đã thực hiện đề tài áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng. Qua hơn 2 năm triển khai, đề tài đã xây dựng 4 mô hình tại xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) và xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh). Giống nuôi và quy trình được ứng dụng từ Trung tâm Giống thủy sản An Giang nhưng có nhiều cải tiến phù hợp với điều kiện ở Khánh Hòa.
Qua 8 tháng nuôi, tỷ lệ sống trung bình của lươn ở cả 4 mô hình đạt 85,7% (vượt 10% so với chỉ tiêu); khối lượng lươn thu hoạch đạt 2.630kg (vượt 400kg), tỷ suất lợi nhuận đạt 38% so với chi phí đầu tư. Từ hiệu quả trên, đề tài đã tổ chức tập huấn mô hình cho 60 học viên và nhân rộng 7 mô hình ở huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa và TP. Nha Trang...
Ông Trần Đại Trường (thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) chia sẻ: “Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi thấy mô hình của trung tâm đưa ra tương đối dễ làm, nguồn vốn đầu tư thấp nên triển khai và thả nuôi 3.000 con giống. Qua 8 tháng nuôi, lợi nhuận ròng tôi thu được gần 28 triệu đồng”. |
So với quy trình chuẩn, điểm mới của đề tài là thay thế thức ăn hỗn hợp (70% cá tạp + 30% công nghiệp) bằng thức ăn công nghiệp (dễ mua, giá thành thấp); hướng dẫn người nuôi cách phòng bệnh cho lươn bằng các loại thảo dược và bổ sung men vi sinh, khoáng chất, dung dịch tỏi để tăng sức đề kháng, qua đó hạn chế sử dụng kháng sinh, tạo ra lươn sạch; tận dụng và cải tạo chuồng heo cũ để làm hệ thống nuôi nhằm giảm chi phí xây mới.
Bên cạnh đó, đề tài cải tiến giá thể nuôi bằng vỉ tre thành ống nhựa, giúp quá trình vệ sinh được dễ dàng, hạn chế mầm bệnh phát sinh trong quá trình nuôi; cách theo dõi và phân cỡ lươn khi thấy sự chênh lệch về kích cỡ nhằm tăng năng suất...
Nhận định về hiệu quả đề tài, ông Huỳnh Kim Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Mô hình của đề tài đơn giản, chi phí đầu tư thấp, tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi, nhất là có thể áp dụng trong bất cứ điều kiện nào. Đề tài này rất có ý nghĩa cho chương trình nông thôn mới, giúp người dân có thêm một mô hình phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Vì thế, nên sớm triển khai ứng dụng nhân rộng mô hình này cho những hộ có nhu cầu”.
Được biết, bên cạnh việc xây dựng mô hình tại các địa phương, đề tài còn tiến hành thử nghiệm sinh sản nhân tạo lươn đồng. Mặc dù kết quả thử nghiệm còn thấp nhưng là tiền đề cho các nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiếp theo giúp người nuôi chủ động nguồn lươn giống.
Quy trình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng: bể nuôi xây dựng với kích thước từ 6 đến 8m2 (quy cách 2m x 3m x 0,6m); mặt trong của bể láng trơn bằng xi măng hoặc lót gạch men. Mặt đáy bể nuôi cần nghiêng về một góc 3 - 5 độ, ống thoát nước nên sử dụng kích cỡ phi 90 đến 114.
Trước khi bố trí giống vào nuôi phải làm vệ sinh kỹ bể, sử dụng nguồn nước sạch để nuôi. Mật độ nuôi ban đầu có thể thả 400 - 500 con, thời gian thả giống sáng sớm hoặc chiều mát. Thức ăn cho lươn là loại cám có hàm lượng protein 40%, mỗi lần cho ăn vào sáng sớm, chiều tối. Trước thời điểm cho ăn, xả tràn nước trong 15 phút để làm sạch bề mặt nước, kích thích lươn bắt mồi. Sau cho ăn 2 giờ thay 100% nước trong bể nuôi… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn