Tiêu thụ thịt heo tại châu Á đã tăng gấp 5 lần trong 20 năm qua. Nguyên nhân do chất lượng đời sống và kinh tế của người dân khu vực tăng cao nên nhu cầu tiêu thụ protein động vật tăng theo, trong đó thịt heo là sản phẩm truyền thống. Lượng tiêu thụ mạnh và ổn định khiến nguồn cung thịt heo tăng cao, cơ sở chăn nuôi mở rộng và chuyển đổi sang quy mô lớn hơn với sự xuất hiện của nhiều trại nuôi thâm canh.
Chăn nuôi heo tại Trung Quốc Ảnh: CND
Trại nuôi thâm canh, quy mô lớn ra đời kèm theo các chương trình đảm bảo sản xuất, tạo nguồn cung thịt heo ổn định cho thị trường và chú trọng an toàn thực phẩm suốt toàn bộ hệ thống sản xuất. Ở nhiều vùng châu Á, nhận thức an toàn thực phẩm gia tăng, cùng khả năng tài chính mạnh hơn, hợp đồng giết mổ dày đặc và chú trọng nhãn mác sản phẩm đã tạo ra xu hướng tăng cường hợp nhất giữa các trại nuôi; chủ yếu là trại nuôi quy mô vừa sáp nhập với các trại lớn hơn. Nhằm theo kịp sự gia tăng của các nguồn cung thịt heo, những hệ thống giết mổ và cơ sở chế biến thịt heo tại châu Á cũng phải tăng tốc và tích cực liên kết hoặc cải thiện kỹ thuật.
Tiến sĩ Steven McOrist, chuyên gia thú y ngành heo tại Hồng Kông cho biết xu hướng chính của ngành nuôi heo hiện nay là mở rộng quy mô sản xuất và đề cao sức khỏe vật nuôi. Rất nhiều công ty lớn tại Trung Quốc đang chuyển đổi từ những mô hình nuôi truyền thống bao quanh Thượng Hải và Bắc Kinh sang các vùng đất rộng lớn hơn ở miền Trung và miền Bắc. Tương tự, sự mở rộng của các cơ sở chăn nuôi heo sang những vùng nông thôn, cách xa thành thị cũng diễn ra ở Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Nhưng phần lớn ngành chăn nuôi heo tại Campuchia và Philippines lại không đi theo xu thế này mà vẫn tiếp tục duy trì hình thức chăn nuôi vừa và nhỏ. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, hầu hết các cơ sở chăn nuôi heo vẫn duy trì hoạt động theo quy mô vừa.
Nhiều chuyên gia trong ngành dự báo chỉ 10 năm tới, 8 trong 10 công ty chăn nuôi heo lớn nhất thế giới sẽ có cơ sở ở Trung Quốc. Nhiều công ty chăn nuôi heo ở Trung Quốc cũng đang ghi nhận lợi nhuận tốt, tăng trưởng nhanh. Trong số này có Wens (Tập đoàn chăn nuôi lớn nhất Trung Quốc) với lợi nhuận đạt 10 triệu NDT (khoảng 1,4 triệu USD) trong 9 tháng đầu năm ngoái. Giá thịt heo vỗ béo 100 kg vẫn duy trì ổn định ở mức cao khắp Đông Á. Tại Trung Quốc, giá này giữ vững 2.000 NDT (300 USD) suốt nhiều năm qua; tại Philippines là 9.500 PHP (200 USD). Nguyên nhân một phần do nhiều quốc gia đang áp dụng lệnh hạn chế nhập khẩu thịt heo.
Tuy nhiên, chính sự tăng trưởng quá nhanh của nhiều nước chăn nuôi heo tại châu Á là nguyên nhân dẫn tới những khó khăn cho ngành này, như tiền lương chi trả cho công nhân viên cao hơn hay nhu cầu lớn hơn về kiến thức chuyên môn cũng như sự giám sát quá trình hoạt động bởi các giám đốc kỹ thuật có trình độ tại các trại nuôi quy mô lớn. Một thực tế đáng ngại là nhiều chủ trại heo tư nhân tại châu Á có khuynh hướng hạn chế sử dụng các chuyên gia kỹ thuật có trình độ chuyên môn, như chuyên gia về di truyền học, chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ thú y hoặc nhà khoa học môi trường trong quản lý trại nuôi.
TS. Steven McOrist cho biết, nhiều trại heo không nhận ra được các khiếm khuyết của mình nên luẩn quẩn trong vòng phát triển quá nóng nhưng không hiệu quả. Theo ông, khiếm khuyết dễ nhận thấy nhất của ngành heo châu Á là sự hạn chế ứng dụng các nghiên cứu đã được tiêu chuẩn hóa toàn cầu vào trong quá trình sản xuất. Những công cụ chẩn bệnh trong ngành heo châu Á như mô bệnh học, huyết thanh học và vi trùng học không sẵn có và việc sử dụng các công cụ này cũng khá hạn chế.
Hiện nay, hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp trên heo (PRRS), còn gọi là bệnh tai xanh đang trở thành vấn đề đáng lo ngại ở hầu hết các nước châu Á. Vaccine phòng bệnh cùng các phương pháp trị bệnh này chủ yếu được cung cấp rộng rãi bởi nhiều công ty đa quốc gia như Boehringer Ingelheim, Zoetis, Elanco, Ceva. Các tập đoàn này đều tập trung vào chiến lược R&D (nghiên cứu và phát triển), từ đó mới tiến hành sản xuất và cho ra thị trường những dòng sản phẩm - kết quả của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng về tính hiệu quả và an toàn sử dụng.
Những trại nuôi đang trong quá trình mở rộng quy mô sản xuất ở châu Á vẫn còn đối mặt hàng loạt thách thức và áp lực từ những dịch bệnh quen thuộc như tai xanh hay dịch tả... Trung Quốc là một mắt xích quan trọng nhất của ngành heo thế giới và châu Á. Nhưng việc sử dụng vaccine trong chăn nuôi heo tại quốc gia này đang bị báo động mạnh. Đây không chỉ là vướng mắc của ngành heo Trung Quốc mà của nhiều nơi khác ở châu Á. Đó là chất lượng của vaccine do địa phương sản xuất không đồng đều, tiêu chuẩn còn mập mờ, quy trình thuốc được phân phối từ nhà sản xuất tới từng trại nuôi cũng không được thông suốt do thiếu kiểm soát. Những vướng mắc này có thể khắc phục trong vài năm tới thì tình hình sử dụng vaccine cũng như các phương pháp trị bệnh cho vật nuôi mới hiệu quả, góp phần cải thiện sức khỏe, năng suất heo và mang lại một ngành chăn nuôi heo “khỏe”.
>> Các hộ chăn nuôi heo kinh tế hộ gia đình chiếm tỷ lệ 30 - 40% trong toàn bộ ngành chăn nuôi heo của toàn vùng Đông Á. Người chăn nuôi quy mô hộ gia đình ở nông thôn và thành thị thường cung cấp từ 5 - 10 heo/năm cho thị trường địa phương. |
Nguôn: nguoichannuoi.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn