Vực lại nghề truyền thống của quê hương.
Làng rèn An Tiêm là một trong những làng rèn lâu đời nhất Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hơn 730 năm qua những nghệ nhân nơi đây vẫn giữ lửa nghề. Từ xa xưa người dân nơi đây đã lưu truyền câu ca: “Chẳng tham ao gỗ cá bè/Chỉ tham cái búa cái đe thợ rèn.”.
Theo tư liệu để lại, nghề rèn làng An Tiêm có từ năm 1288, khi Hưng Đạo Đại Vương lập doanh trại ở nơi đây (ngày nay là xã Thụy Hồng) để chuẩn bị sản xuất, tu sửa vũ khí cho quân đội đánh giặc Nguyên Mông.
Thửa ấy, trong 5 người phụ trách đứng đầu xưởng rèn đó thì có đến bốn người quê ở làng An Tiêm. Vì nghề rèn góp công lao lớn trong chiến thắng quân giặc Nguyên Mông thời kỳ đó nên được vua Trần Nhân Tông sắc phong cho 5 người làng An Tiêm là Ngũ vị tổ sư nghề rèn. Nghề rèn An Tiêm cũng bắt đầu từ đó và phát triển cho đến ngày nay. Tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau mà đến nay nghề truyền thống cũng bị mai một đi khá nhiều.
Ông Ngô Thanh Quang (sinh năm 1976), trú tại thôn An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, Thái Bình) đang miệt mài rèn từng con dao. Ông Ngô Thanh Quang là một trong những hậu duệ góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, giá trị kinh tế của nghề rèn truyền thống làng An Tiêm.
Vượt qua quãng đường hơn 100km, chúng tôi cũng đến được làng rèn An Tiêm nổi tiếng ở xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy. Qua sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi cũng tìm đến được xưởng rèn của nông dân Ngô Thanh Quang. Dưới cái nắng hầm hập giữa hè cùng với cái nóng phát ra từ lò rèn càng làm cho không khí ở đây trở nên ngột ngạt và oi nóng hơn.
Nhưng không vì cái nóng mà làm cho công việc sản xuất ở xưởng rèn bị ảnh hưởng. Mỗi tiếng quai búa vang lên là từng giọt mồ hôi rơi lã chã trên áo của người thợ rèn, cứ thế là những chiếc dao lần lượt ra đời.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê có nghề rèn nổi tiếng của tỉnh Thái Bình, ông Ngô Thanh Quang, thôn An Tiêm ngay từ bé đã được thừa hưởng những kỹ năng, bí quyết, tuyệt kỹ thượng thừa của nghề rèn mà ông cha để lại. Dù nghề rèn có nhiều thăng trầm biến cố, nhưng vì niềm đam mê và lòng yêu nghề, ông Quang quyết định kế nghiệp và phát triển nghề rèn truyền thống của cha ông để lại.
Kể về câu chuyện gắn bó với nghề rèn, giường như những khó khăn vất vả với nghề lại ùa về trong tâm trí của người đàn ông này. Ông Quang nghẹn ngào nói: "Nếu như trước đây cứ đi bất kì con ngõ nào ở thôn An Tiêm đều nghe thấy tiếng quai búa đều đều và bắt gặp hình ảnh một người đàn ông đang miệt mài rèn rũa bên lò than rực hồng. Nhưng hiện tại thì hình ảnh đó thưa vắng hơn rất nhiều vì còn rất ít người còn theo nghề rèn. Chỉ những ai thật sự yêu nghề và bằng niềm đam mê, mong muốn giữ lửa nghề truyền thống, tìm được con đường đi mới còn bám trụ lại cho đến bây giờ.
Không chỉ giữ lửa nghề rèn truyền thống của ông cha mà ông Quang còn phát triển nghề rèn của làng ở một tầm cao mới với doanh thu khủng từ nghề rèn dao này.
“Có những thời điểm đầu ra cho sản phẩm rèn truyền thống gặp khó, hầu như không có mối lái nào đến mua hàng. Ngay gia đình tôi, làm ra sản phẩm sau đó lại phải lóc cóc chở xe máy đi rong ruổi khắp con đường, lối xóm ở các vùng quê, khu phố để chào bán từng cái dao, cái kéo. Nhiều hôm đi hàng trăm km cũng chỉ bán được mấy cái, tính ra còn không đủ tiền xăng xe...Nhiều đêm về mệt, tôi ngồi nghĩ thấy cái nghề này cực quá, nhiều lúc muốn bỏ nghề...”, ông Quang kể lại.
Ông trời cũng không phụ công người chịu khó, sau những lần đi rong ruổi khắp các tỉnh thành lân cận bán dao, rồi dần dần ông Quang cũng tìm được các bạn hàng ổn định. Sản phẩm rèn của cơ sở gia đình ông Quang chất lượng nên dần dần tiếng tăm cũng vang xa nên đầu ra ngày càng ổn định hơn. Trung bình mỗi tháng, xưởng rèn của ông xuất bán được hơn 3 vạn con dao các loại. Mỗi con dao có giá trung bình khoảng 30 ngàn đồng, tính ra doanh thu mỗi tháng lên đến cả tỷ đồng.
Đưa dao làng rèn An Tiêm ra thế giới.
Ông Ngô Thanh Quang đang khoe với phóng viên những sản phẩm dao chất lượng cao chuẩn bị được xuất khẩu sang thị trường Đức-1 trong những thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng.
Ông Ngô Thanh Quang chia sẻ, những con dao được sản xuất từ xưởng của gia đình ông sử dụng vật liệu thép carbon, dưới bàn tay người thợ làng An Tiêm, trải qua 22 bước như đánh nóng tạo phôi, đàn, trôi, mài... theo phương thức bí truyền làng nghề và của riêng nghệ nhân để tạo nên thành phẩm. Nếu như sắc bén và khả năng giữ độ sắc lâu là điểm mạnh của thép carbon thì han rỉ là nhược điểm lớn nhất của loại thép này khi sử dụng để chế tạo dao thủ công.
Nhờ kinh nghiệm của nghệ nhân trong quá trình chọn thép, xử lý nhiệt, xử lý bề mặt... cùng những hướng dẫn sử dụng đi kèm, sản phẩm của xưởng đã hạn chế hơn 70% sự han rỉ so với dao thủ công truyền thống trên thị trường. Không dừng lại ở những loại chất liệu phổ thông, cán dao sử dụng các loại gỗ lim,nghiến, xoan..., tùy theo kiểu dáng, chủng loại và yêu cầu của khách hàng.
Từ những sản phẩm thông dụng với tính năng đơn thuần, đến nay, xưởng đã có gần 20 dao dân dụng đa dạng về kiểu dáng và công năng sử dụng. Ngay từ những con dao đầu tiên ra đời, không chỉ dừng lại ở việc quảng bá, phổ biến sản phẩm trên thị trường Việt Nam, ông Quang đã tìm cách nâng giá trị, từng bước đưa sản phẩm của làng rèn An Tiêm ra thị trường thế giới, từ đó gìn giữ và phát triển thương hiệu làng nghề.
Vật liệu làm dao bằng thép carbon, dưới bàn tay người thợ làng An Tiêm và trải qua 22 bước như đánh nóng tạo phôi, đàn, trôi, mài... mới hình thành lên một chiếc dao đạt chuẩn.
Dù không có công ty, website hay bộ phận tiếp thị sản phẩm, nhưng vì chất lượng nên những con dao mà ông Quang làm ra vẫn bay sang bầu trời Âu, có mặt tại nhiều cửa hàng bán dao trên nước Đức. Những khách hàng khó tính cách nửa vòng trái đất đã vô cùng bất ngờ khi những con dao rèn thủ công của nghệ nhân Việt Nam tuy đơn giản nhưng không kém phần tinh tế, nhiều công dụng. Đặc biệt dao có độ sắc bén và hiệu năng sử dụng không thua kém các loại dao được sản xuất ở ngay nước Đức, trong khi giá bán rẻ hơn những sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Đến nay, ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước, đều đặn mỗi tháng gia đình ông Quang xuất xưởng sang thị trường Đức hơn 4.000 sản phẩm gồm các loại dao với giá bán trung bình khi xuất xưởng từ 50 - 150 ngàn đồng/sản phẩm. “Thị trường tiêu thụ ở Đức người ta đòi hỏi rất cao nên muốn bán được ở đây đòi hỏi sản phẩm của mình phải có chất lượng cao và đáp ứng được yêu cầu từ bên họ. Trung bình tháng nào tôi cũng bán được gần 300 triệu đồng tiền dao sang bên Đức.”, ông Quang chia sẻ thêm.
Hiện tại xưởng rèn dao của gia đình ông Ngô Thanh Quang đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, với mức lương từ 4,5 triệu đến 15 triệu đồng/tháng. Ông Ngô Thanh Quang không chỉ là một trong những người giữ lửa nghề truyền thống của quê hương mà ông còn đang từng bước đưa sản phẩm của làng rèn An Tiêm ra thị trường thế giới, từ đó gìn giữ và phát triển thương hiệu làng nghề.
Với những thành tích trong lao động sản xuất, sáng chế, sáng tạo, phát huy giá trị văn hóa, giá trị kinh tế của nghề rèn truyền thống làng An Tiêm nổi tiếng đất Thái Bình, ông Ngô Thanh Quang đã vinh dự nhận được nhiều hình thức khen thưởng của T.Ư và địa phương.
Ông Ngô Thanh Quang cũng là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được bình chọn và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10 năm 2019. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn