Không ai có thể ngờ giữa những vùng rừng núi đại ngàn thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh và xã An Toàn, huyện An Lão (Bình Định) mà những loại hoa và rau ôn đới vốn chỉ sống được với khí hậu Đà Lạt lại phát triển tốt đến vậy. Thực tế này mở ra cho người dân các xã vùng cao của tỉnh này hướng chuyển đổi cây trồng hiệu quả.
Từ ý tưởng lãng mạn
Cách đây 5 năm, tại xã miền cao Vĩnh Sơn (Vĩnh Sơn) cây dứa đang ngự trị bạt ngàn. Đây là vùng đất nằm trên độ cao gần 1.000 m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm chẳng kém Đà Lạt. Đang khi hiệu quả kém của cây dứa làm ngành chức năng “đau đầu” thì trong một chuyến công tác vào một dịp gần tết, những vị lãnh đạo ngành nông nghiệp Bình Định thấy đào ra hoa rực rỡ.
Khi biết cây đào này không phải từ Hà Nội mang vào mà là của người dân địa phương trồng và chủ nhân của cây đào cho biết là khí hậu ở đây rất phù hợp với các loài hoa. Thế là ý định biến vùng đất này thành vùng đất của rau và hoa ôn đới hình thành.
Mang ý tưởng khá lãng mạn này làm việc với Viện KHKT NN duyên hải Nam Trung bộ, thế là dự án “Nghiên cứu, thăm dò khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất của một số rau và hoa ôn đới trên vùng đất bazan" Vĩnh Sơn ra đời.
Tham quan hoa lily tại xã Vĩnh Sơn-Vĩnh Thạnh
Vùng đất từng tồn tại những cây dứa “èo uột” được thay vào đó là những cây hoa hồng (4 loài), hoa đào (2 giống), hoa cúc (4 giống), hoa lily (3 giống), hoa đồng tiền (4 giống), hoa lay ơn (4 giống) và các loài rau xà lách, ớt ngọt, cải bắp, sup lơ, su hào, cà rốt.
Không nằm ngoài dự tính, sau 2 năm thực hiện, khí hậu của vùng đất Vĩnh Sơn cho thấy đây là “vùng đất hứa” của các loài rau hoa nói trên. Từ thành công ban đầu kết hợp với điều tra thực tế, ngành nông nghiệp Bình Định đề ra hướng phát triển các loại hoa, rau ôn đới tại những địa phương vùng cao có khí hậu phù hợp để cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng trong tỉnh. Bởi sức tiêu thụ rau và hoa của người dân Bình Định là khá lớn, mỗi năm có đến hàng ngàn tấn rau và hoa, hầu hết được nhập về từ Đà Lạt.
Đến hiệu quả
Sau thành công của mô hình thử nghiệm, huyện Vĩnh Thạnh không ngừng phát triển các loại rau, hoa ôn đới tại xã miền cao Vĩnh Sơn. Trong năm 2012, bằng nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh đã đầu tư xây dựng 2 mô hình trồng rau và hoa ôn đới tại Vĩnh Sơn, mang lại kết quả khả quan. Mô hình hoa ôn đới được triển khai với 2 giống hoa lily và lay ơn tại hộ ông Huỳnh Hữu Châu ở làng K2 với diện tích 500 m2.
Ông Châu xuống giống 160 củ hoa lily và 40 kg giống hoa lay ơn gồm 2 loại hồng và đỏ. Qua gần 3 tháng chăm sóc, vườn hoa phát triển khá tốt, 100% cành lay ơn đã có hoa, riêng với hoa lily, mỗi cây đều cho từ 7 - 9 nụ.
Ông Châu cho biết: “Các loại hoa ôn đới thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng ở Vĩnh Sơn. Hoa phát triển rất tốt. Với kết quả này, qua năm tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình”. Ở mô hình rau ôn đới, cũng với diện tích 500 m2, có 3 loại rau cao cấp được đưa vào trồng gồm cải thảo, súp lơ xanh và su hào.
Mô hình hoa lily của chị Vân ở An Toàn, An Lão cho lãi cao
Qua hơn 2 tháng trồng, các loại rau tỏ ra thích nghi với điều kiện khí hậu và đất đai ở đây. 2 loại rau suplơ xanh và su hào cho thu hoạch vào đúng dịp Tết Qúy Tỵ. Riêng cây cải thảo đã cho thu hoạch sau thời gian khoảng 1 tháng rưỡi kể từ khi trồng, mỗi cây đạt từ 1 - 1,4 kg.
Ông Lê Kim Quốc, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh, khẳng định: “Đây là năm thứ hai Trạm Khuyến nông huyện triển khai thực hiện mô hình trồng rau, hoa cao cấp tại Vĩnh Sơn. Qua thực tế SX, chúng tôi khẳng định các loại rau, hoa ôn đới rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở đây. Hiện chúng tôi đang nhân rộng mô hình”.
Tại xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão, mô hình trồng hoa lily đầu tiên cũng đã mang lại thành công rực rỡ. Được UBND huyện An Lão hỗ trợ một ít nguồn vốn, ngay từ đầu vụ ĐX năm 2012, chị Nguyễn Thị Vân (thị trấn An Lão) đã lên tận TP Đà Lạt (Lâm Đồng) để học tập cách trồng hoa li ly từ quy trình kỹ thuật làm giàn che mưa, chắn nắng, đến khâu làm đất gieo trồng và chăm sóc.
“Chất lượng ánh sáng và biên độ chênh lệch rất lớn giữa ngày và đêm ở Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) và An Toàn (An Lão) là điều kiện tốt cho các loài rau, hoa ôn đới phát triển tốt. Các loài rau hoa trồng ở đây có chất lượng chẳng kém gì sản phẩm của Đà Lạt, nhất là hoa lily, hoa hồng, hoa lay ơn và các loà rau su lơ, su hào”, TS Hoàng Minh Tâm, Viện trưởng Viện KHKT NN duyên hải Nam Trung bộ. |
Cuối tháng 9 (ÂL) năm 2012, vườn hoa lily rộng 100 m2 được hình thành tại thôn 2, xã An Toàn với 1.250 củ giống. Sau khi xuống giống, vườn hoa lily của chị Vân sinh trưởng và phát triển rất tốt. Cây lên xanh mướt, chiều cao từ 0,5 - 1 m, vào trước Tết Qúy Tỵ 2013 vườn hoa đồng loạt trổ bông từ 5 - 9 nụ hoa/cây, tương đương với lượng bông cùng loại giống được trồng tại Đà Lạt.
Ông Trần Phấn, cán bộ kỹ thuật trực tiếp chăm sóc mô hình hoa lily, khẳng định: “Tính từ khi hoa nở đến lúc tàn cũng phải được từ 15 đến 20 ngày. Loại hoa này đang được thị trường ưa chuộng nên có giá cao hơn nhiều so với các loài hoa khác, nhất là vào những dịp lễ, Tết”.
Chị Vân phấn khởi cho biết thêm: “Trước Tết Nguyên đán, tư thương ở TP Quy Nhơn (Bình Định) liên tục gọi điện lên đặt mua hoa để bán Tết”. Chị Vân tính bình quân mỗi cây hoa lily bán được từ 50.000 - 70.000 đồng, sau khi trừ mọi chi phí, mô hình này cho chị khoản lãi từ 20 - 30 triệu đồng.
Ông Hà Chí Minh, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện An Lão khẳng định: “Mô hình trồng hoa lily trên đất An Toàn là hướng đi đúng, bởi xã An Toàn nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mặt biển, đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẽ thích hợp với giống hoa lily thường được trồng ở xứ lạnh. Sau khi mô hình này thành công, trong thời gian đến huyện An Lão sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa lily tại xã An Toàn”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn