Theo UBND tỉnh Gia Lai, 12.039 ha cao su (trồng trên đất rừng tự nhiên nghèo kiệt) bị chết, kém phát triển nói trên đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chuyển đổi cây trồng vào giữa năm 2018, nhưng theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT thì việc chuyển đổi đang gặp nhiều vướng mắc.
Buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với các bộ, ngành tại Gia Lai.
Theo quy định, khi trồng cao su trên đất rừng nghèo kiệt thì không phải chuyển mục đích sử dụng đất, không phải trồng rừng thay thế, vì cây cao su là cây đa mục đích. Còn nếu chuyển đổi từ cao su sang trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp khác thì phải chuyển mục đích sử dụng đất rừng, phải trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định.
Hàng nghìn ha cao su tại Gia Lai kém phát triển do trồng tại vùng đất không phù hợp
Nhưng trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp trồng cao su trên diện tích này đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Trước đó phải đầu tư trồng, chăm sóc một thời gian dài không có nguồn thu, nay phải tiếp tục đầu tư chuyển đổi cây trồng, trồng rừng thay thế gấp 3 lần diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên chưa đơn vị nào triển khai được.
Một số doanh nghiệp đã xin chuyển một phần diện tích sang đầu tư điện mặt trời, điện gió, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Chính phủ giao cho Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung các dự án điện mặt trời, điện gió vào quy hoạch để thực hiện. Nhưng tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng khó chuyển diện tích đất này sang điện mặt trời, điện gió vì Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư và chương trình hành động của Chính phủ không cho phép.
“Hơn 12.000 ha đất trồng cao su kém hiệu quả này, giờ là đồng cỏ chứ không phải rừng nữa, rất lãng phí trong sử dụng đất đai, mong Chính phủ tháo gỡ vì đây là trường hợp đặc thù”, ông Dương Văn Trang – Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai kiến nghị. Theo ông Trang, cũng vì diện tích cao su kém hiệu quả chưa được chuyển đổi sang trồng cây khác, nên công trình thuỷ lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) được đầu tư gần 3.000 tỷ đồng đến nay vẫn chưa tưới được cho 7.000 ha đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai như dự kiến.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ NN PTNT... phối hợp báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong tháng 10/2019, để Thường trực Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ xử lý, bổ sung quy hoạch điện năng lượng tái tạo quốc gia cho Gia Lai. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ NN PTNT chủ trì phối hợp với các bộ báo cáo chi tiết việc chuyển đổi cây trồng và xử lý vùng tưới tiêu cho công trình thuỷ lợi Ia Mơr.
Theo Trần Hiền/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/pho-thu-tuong-vuong-dinh-hue-xu-ly-vu-12000ha-cao-su-bo-hoang-1014778.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn