Theo Chi cục BVTV tỉnh Bình Thuận, hiện đã vào mùa mưa nên bệnh đốm nâu gây hại trên cây thanh long có xu hướng tăng nhanh cả về diện tích và tỉ lệ hại.
Tính đến tháng 7/2015, toàn tỉnh có 6.846 ha thanh long nhiễm bệnh đốm nâu, tăng 2.309 ha so với tháng 6/2015 và tăng 5.668 ha so với cùng kỳ năm 2014.
Trước tình hình bệnh đốm nâu bùng phát, Chi cục đã chỉ đạo các Trạm BVTV ở vùng trọng điểm thanh long hướng dẫn đến nông dân áp dụng Quy trình phòng chống bệnh đốm nâu sửa đổi của Cục BVTV ban hành và Quy trình hướng dẫn xử lý cành, quả thanh long bị bệnh bằng chế phẩm BIO- ADB của Viện Môi trường Nông nghiệp.
Đồng thời Chi cục đã ban hành Quy trình tạm thời quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bệnh đốm trắng hại cành và quả thanh long.
Đến nay đã tổ chức được 38 lớp tập huấn với 1.497 lượt nông dân tham dự, cung cấp 90 gói chế phẩm BIO-ADB cho các hộ dân xử lý cành quả thanh long bị bệnh, tương đương 90 tấn cành (1 ha/1 tấn cành) được xử lý.
Ông Trần Văn Tiến ở xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, bệnh đốm nâu trên thanh long hiện nay không có thuốc BVTV đặc trị.
Nếu người trồng không chủ động, khẩn trương ngăn chặn thì dịch sẽ bùng phát nhanh hơn khi có mưa, gây thiệt hại nghiêm trọng không chỉ vụ mùa mà cả vụ chong đèn cuối năm 2015.
Vì vậy, ngay thời điểm này gia đình ông đã ra sức xử lý thu gom cành già bị bệnh để tiêu hủy, phát quang vườn thông thoáng. Nhờ vậy trên 200 trụ thanh long chỉ nhiễm nhẹ bệnh đốm nâu.
Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam) cho biết, những năm qua bệnh đốm nâu gây thiệt hại khá nghiêm trọng cho người trồng thanh long trên địa bàn.
Bệnh thường lây lan với tốc độ nhanh trong mùa mưa từ tháng 5 - 11, vì độ ẩm trong không khí cao. Những vườn nhiều cỏ, đọng nước, phòng trừ bệnh không đúng kỹ thuật cũng là điều kiện để bệnh phát tán nhanh.
“Đến nay diện tích thanh long bị nhiễm bệnh trên toàn xã khoảng 450/1.162 ha, chủ yếu mức độ trung bình và nhẹ tập trung ở các thôn Phú Long, Phú Hưng, Phú Mỹ…
Trước tình hình đó chúng tôi đang tiếp tục phối hợp các ban ngành chỉ đạo truyên truyền về Tháng cao điểm phòng chống bệnh đốm nâu, phát quy trình hướng dẫn xử lý mầm bệnh cho từng hộ dân, khuyến cáo tổng vệ sinh vườn, phát quang làm sạch cỏ, gom cành xử lý bệnh để tránh lây lan”, ông Dũng chia sẻ.
Các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình… đã phát động nông dân phòng trừ bệnh đốm nâu.
Các phòng ban chuyên môn, xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn bà con vệ sinh vườn thanh long định kỳ; xử lý, tiêu hủy toàn bộ cành, nụ, trái bị bệnh. Không vứt bỏ những cành, trái bị bệnh ra môi trường, tỉa bớt những cành già...
Tại buổi làm việc với Sở NN-PTNT Bình Thuận về việc triển khai công tác phòng chống bệnh đốm nâu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, đối phó bệnh đốm nâu cần phải kiên trì, bằng nhiều biện pháp tổng hợp, lâu dài. Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến nông dân...
Sau đợt hưởng ứng Tháng hành động phòng chống bệnh đốm nâu thanh long do Bộ NN-PTNT phát động từ ngày 25/11/2014, UBND tỉnh Bình Thuận đã phát động đợt cao điểm phòng chống đến 30/3/2015.
Nhờ vậy, diện tích thanh long bị nhiễm bệnh đốm nâu giảm rõ rệt. Trong tháng 9/2014, diện tích nhiễm là 12.870 ha, đến ngày 11/5/2015, diện tích nhiễm nặng và trung bình không còn, diện tích nhiễm nhẹ 308,2 ha.
Tuy nhiên, bước vào mùa mưa 2015, diện tích nhiễm lại tăng nhanh, song mức độ chủ yếu nhẹ và trung bình.
Tóm tắt quy trình xử lý bệnh
Sử dụng chế phẩm BIO- ADB và phụ gia, lượng 200 gr chế phẩm + 1 lít phụ gia cho 1 tấn cành. Vôi bột 10 kg/1 tấn cành bệnh. Sử dụng máy cắt cỏ hoặc kéo cắt cành. Tiến hành 4 bước.
Bước 1: Cắt tỉa toàn bộ cành bệnh, cành già. Cắt khoảng 20 - 30% tổng số cành trên cây, có thể cắt thành nhiều đợt.
Bước 2: Cho 1 tấn cành tạo thành đống ủ có diện tích rộng 1 m, dài 2 m và cao 1,2 m. Đống ủ có thể tạo ở bất cứ vị trí nào thuận tiện nhất giữa vườn thanh long.
Rắc một lớp vôi bột lên bề mặt đất để hạn chế phát tán bào tử trong những ngày đầu. Thu gom cành bệnh, dùng máy cắt cỏ cắt cành dài khoảng 10 - 20 cm. Xếp thành lớp, mỗi lớp dày khoảng 30 cm.
Bước 3: Phối trộn nguyên liệu và xử lý chế phẩm. Hòa chế phẩm và phụ gia vào 32 lít nước. Rắc một lớp mỏng vôi bột lên mỗi lớp cành sau khi đã cắt ngắn.
Sử dụng 8 lít dung dịch BIO-ADB đã pha phun vào mỗi lớp cành bệnh. Tiến hành tuần tự như vậy với khoảng 4 lớp, sau đó dùng bạt hoặc nilon che phủ lên bề mặt đống ủ.
Bước 4: Kiểm tra đống ủ và sử dụng làm phân bón. Sau ủ 35 - 45 ngày, khi nhiệt độ của đống ủ hạ xuống ở nhiệt độ bình thường, cành bệnh đã phân giải thành phân, đống ủ khô, không còn mùi hôi thì kết thúc ủ.
Lúc này có thể sử dụng cho cây trồng theo chế độ bón phân hữu cơ.
Theo: nongnghiep.vn