Bệnh tai xanh còn gọi là hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS), là một bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh ở lợn. Bệnh do một loại vi rút gây ra. Đặc trưng của bệnh là hiện tượng xảy thai ở lợn nái chửa hoặc triệu chứng bệnh đường hô hấp, đặc biệt là ở lợn con cai sữa.
Lợn bị bệnh tai xanh Biểu hiện bệnh: Virus gây ra biểu hiện lâm sàng ở 2 trạng thái sinh sản và hô hấp.
- Ở lợn nái có biểu hiện: biếng ăn, lười uống nước, mất sữa và viêm vú, đẻ sớm, da biến màu (màu hồng), lờ đờ hoặc hôn mê, thai khô hoặc heo con chết ngay sau khi sinh.
- Ở lợn con theo mẹ: thể trạng gầy yếu, mắt có ghèn màu nâu, da có vết phồng rộp, tiêu chảy nhiều, ủ rũ, run rẩy. Lợn con yếu, tai chuyển màu tím xanh. Tỉ lệ chết ở đàn con có thể tới 100%.
- Ở lợn cai sữa và heo vỗ béo: những biểu hiện ban đầu thường là da đỏ ửng hoặc mắt sưng đỏ. Khi bệnh tiến triển, có thêm những bệnh tích đặc biệt trên da hoặc trên tai (tỉ lệ chết từ 20 - 70%).
Cách phát hiện bệnh: 1. Lợn sốt cao trên 40oC. 2. Khó thở. 3. Có những vết bầm, thâm tím trên da, tai tím xanh. 4. Lợn ở các lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc bệnh. Phòng bệnh: Đối với việc phòng bệnh cho lợn thì bước đầu tiên bà con phải tiến hành các biện pháp phòng trừ tổng hơp. Từ khâu vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc bằng vôi bột, hoặc thuốc sát trùng chlorine, formon….Diệt côn trùng và chuột.
Virus gây bệnh tai xanh gồm có 2 chủng : chủng Bắc Mỹ và chủng Châu Âu. Theo các nhà khoa học, chủng virus gây bệnh tai xanh ở Việt Nam và Trung Quốc có cùng nguồn gốc là chủng Bắc Mỹ.
Vì vậy khi chọn vacxin tiêm phòng bà con nên chọn các vacxin chủng Bắc Mỹ, có như vậy thì hiệu quả tiêm phòng sẽ tốt hơn. Hiện nay, loại vắc xin nhược độc JXA1.R của Trung Quốc được dùng phổ biến và hiệu quả nhất.
Thời gian tiêm: + Tiêm lần 1 lúc lợn đang theo mẹ và tiêm nhắc lại sau 3 tháng tuổi. + Đối với lợn làm giống thì tiêm lại lần 3 lúc 18 tuần tuổi và 15 ngày trước khi phối giống
+ Đối với nái chửa thì tiêm vacxin 30 ngày trước khi đẻ
+ Đối với lợn đực giống cũng phải tiêm vacxin trước khi lấy tinh 30 ngày.
Liều dùng: 2ml/1 con
Nếu trong trường hợp dịch lợn tai xanh xảy ra, các hộ gia đình nằm trong vùng bị đe dọa( trong bán kính cách ổ dịch nhỏ hơn 3Km) cần lập tức tiêm vắc xin nhược độc JXA1.R để tránh lợn bị nhiễm dịch.
Theo Quyết định 80/2008 về phòng, chống hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS) do Bộ NN&PTNN cho phép các chủ trang trại được điều trị bệnh tai xanh cho đàn lợn trong thời gian 7 ngày tính từ ngày lợn bắt đầu có biểu hiện bệnh.
Sau 7 ngày theo quy định nếu đàn lợn vẫn chưa khỏi, số lượng con mắc bệnh ngày càng tăng lên, thì bắt buộc các hộ gia đinh phải đem tiêu hủy toàn bộ lợn theo quy định.
Phác đồi điều trị bệnh tai xanh ở lợn sau cai sữa, lợn vỗ béo, lợn nuôi làm giống, lợn nái không chửa và lợn đực giống: Bước 1: Cho lợn uống đủ nước thuốc gồm: T.cúm gia súc(2gam), Super Vitamin hoặc Doxyvit Thái(1,5 gam), Điện giải(1 gam).
3 loại thuốc này pha chung vào 1 lít nước cho cả trại lợn uống tự do. Những con lợn nằm bẹp không uống được thì bà con phải trực tiếp bơm bằng xi lanh cho lợn uống, mỗi lần bơm 2ml/1 kg thể trọng.
Ngày bơm 3-4 lần, cho uống liên tục 3-4 ngày cho đến khi lợn tự đứng dậy, tự uống được.
Bước 2 : Tiêm hạ sốt Dùng Analgin.C: 1ml/10kg thể trọng/1 lần
Nếu sốt nhẹ tiêm 1 lần/1 ngày, sốt cao thì tiêm 2 lần/1 ngày . tiếp tục tiêm như vậy 3-4 ngày.
Bước 3: Tiêm kháng sinh Ngày 1 : Sáng tiêm bắp Macavet 1 ml/10 kg thể trọng. Chiều nếu ốm nặng thì tiêm Vidan T 1 ml/10kg P
Ngày 2: Sáng và chiều tiêm Vidan T: 1ml/10kg P
Ngày 3: Sáng tiêm Macavet 1ml/ 15 kg P. Chiều tiêm thuốc bổ ADE
Ngày 4: Làm như ngày thứ 2
Ngày 5: Làm như ngày thứ 3
Bà con chú ý phải thực hiện đủ 3 bước đã nêu trên, như vậy tỷ lệ lợn được chữa khỏi sẽ đạt 80-90%.
Kết hợp với việc cho lợn uống thuốc, bà con cho lợn ăn thêm cháo hoặc cám viên để đảm bảo dinh dưỡng giúp lợn hồi phục nhanh. Thời gian này lợn vẫn còn mệt, vì vậy bà con cho lợn ăn ít một, và chia làm nhiều bữa, 1 ngày có thể cho ăn 4-5 lần.
Phác đồ điều trị bẹnh tai xanh ở lợn con theo mẹ: Bước 1: Dùng thuốc an thần Acepromarin 1% ( không nên dùng Analgin, Analgin C để hạ sốt, có thể gây chết lợn do hạ thân nhiệt dưới mức bình thường )
Tiêm cho lợn :
Dưới 10kg/ 1 con với liều 1ml/5kg P
Lợn trên 10kg/ 1 con tiêm với liều lượng 1ml/8kg P
Bước 2: Dùng kháng sinh để tiêm bắp là Vidan.T kết hợp với Macavet hoặc Flodovet: Vidan.T dùng với liều lượng:
+ 1 ml/ 3kg P/ 1 lần ( đối với lợn dưới 5 kg P/1 con)
+ 1 ml/ 5kg P/ 1 lần( đối với lợn từ 5-15 kg P/1 con )
+ 1 ml/8-10kg P/ 1 lần ( đối với lợn trên 15kg P/ 1 con )
Cách tiêm như sau :
Sáng tiêm Macavet 1ml/ 10kg P
Chiều tiêm Vidan.T 1ml/5kg P
Thuốc dùng 2 lần/1 ngày, dùng liên tục trong 4-5 ngày. Nếu lợn con bị tiêu chảy nặng thì bơm thêm T.Tere trực tiếp vào miệng cho lợn với liều 1ml/3-5 kg P/1 lần, ngày uống 2 lần, cho uống từ 2-3 ngày
Bước 3: Bổ sung cho lợn con các loại vitamin + selen, AD3E Thái và giải độc gan. Trong trường hợp lợn mẹ mất sữa thì lợn con phải tách ra nuôi bộ.
Kết hợp với việc dùng thuốc điều trị bà con cần cho lợn con tập ăn để thêm chất dinh dưỡng. Có như vậy mới đảm bảo khả năng hồi phục của lợn tốt.
Phác đồ điều trị bệnh ghép tai xanh ở lợn: Bệnh tai xanh thường kéo theo các bệnh ghép như dịch tả, viêm màng phổi, tụ huyết trùng, liên cầu khuẩn…Có tới 90% tỷ lệ lợn bị bệnh ghép khi mắc bệnh tai xanh, vì vậy bà con cần xác định đúng bệnh ghép để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
Sau đây, là phác đồ điều trị bệnh tai xanh và các bệnh ghép với tai xanh ở lợn sau cai sữa, lợn vỗ béo và nái không chửa.
- Trong trường hợp lợn bị bệnh ghép tai xanh với dịch tả lợn, bà con cần tiêm ngay 1 mũi vacxin dịch tả lợn trước khi tiếp tục chữa bệnh tai xanh. Do dịch tả là bệnh nguy hiểm gây chết cho lợn và có khả năng lưu bệnh tiềm tàng. Vì vậy khi phát hiện bệnh dịch tả bà con cần tiêm lại vacxin dịch tả để chữa dịch tả trước.
- Nếu trong đàn lợn bị bệnh tai xanh có 1 số lợn bị chảy nhiều bọt dãi, mũi chảy mủ hoặc máu cam. Đó chính là bệnh tai xanh ghép với bệnh viêm phổi, viêm dính màng phổi. Khi đó bà con vẫn dùng phác đồ điều trị tai xanh, và chỉ thay thế Vidan T bằng Ceptiofur: 1 gam/10kg P/ 1 lần/1 ngày hoặc bằng thuốc Spyracin.Thái: 1ml/ 10kg P /1 lần, ngày tiêm 2 lần.
- Với bệnh liên cầu lợn ghép với bệnh tai xanh thì bà con có thể thay thế Vidan T bằng thuốc đặc trị Linco – Gen LA, hoặc T.Amoxigen( T-A-moc-xi-gen), hoặcT.Amocxico. Liều lượng 1ml/ cho 8-10kg P/1 lần. Tiêm từ 3-4 ngày liên tục vào buổi sáng hoặc chiều.
Trong trường hợp dịch bệnh xảy ra bà con phải thực hiện nghiêm túc theo quy định của Nhà nước: - Không giấu dịch
- Không mua lợn bệnh, sản phẩm của lợn bệnh
- Không bán chạy lợn bệnh
- Không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch
- Không vứt bừa bãi xác lợn bệnh ra môi trường
Nguyễn Thủy