Nhà ông Tám nằm ngay bên lề Quốc lộ 6, đoạn chạy qua bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc. Khi chúng tôi đến, ông Tám đang cắm cúi sửa lại những thùng gỗ nuôi ong trước sân nhà.
Nhà ông Tám có 2 khu vườn rộng rãi ở 2 bên. Trong 2 khu vườn ông đặc la liệt, chật kín những thùng ong. Đàn ong bay lượn khắp vườn. Địa điểm nuôi ong của ông Tám khá lý tưởng. Phía trước và sau nhà ông là những triền đồi phủ kín màu xanh của nhãn, xoài...
Ông Lê Văn Tám, bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc bắt đầu nuôi ong mật từ năm 2005.
Mở đầu câu chuyện, ông Tám kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày gian khó khi ông chập chững bước vào nghề nuôi ong mật. Năm 2000, rời quê hương Hà Trung (Thanh Hóa) lên Sơn La, ông làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Khi thì buôn bán hoa quả, lúc rảnh rỗi ông lại phụ giúp người bạn cùng quê quay mật ong.
Với suy nghĩ kiếm cái nghề ổn định, năm 2005, ông Tám quyết định đến về nghề nuôi ong mật ở Mộc Châu, vì nhận thấy vùng đất nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loài côn trùng này.
Hàng năm, ông Tám duy trì nuôi khoảng 500 đàn ong mật.
Chập chững bước vào nghề nuôi ong, ông Tám không dám mạo hiểm nuôi với số lượng lớn mà chỉ dám mua gần 100 đàn ong về nuôi. Cũng bởi thiếu kinh nghiệm và kĩ thuật chăm sóc ong nên mấy năm đầu, lời lãi ông Tám thu được chẳng đáng là bao. Thậm chí, có năm thời tiết không thuận lợi, mưa rét dài ngày cộng với sương muối khiến ông thất thu vì đàn ong chết hàng loạt do mắc bệnh thối ấu trùng.
Không nản lòng, vừa nuôi vừa mầy mò học hỏi, rút kinh nghiệm, cuối cùng, ông Tám cũng hiểu được đặc tính của loài ong cũng như kĩ thuật chăm sóc loài côn trùng này. Ông Tám phấn khởi nhân đàn ong của gia đình mỗi năm một ít. 5 năm trở lại đây, ông Tám thường xuyên duy trì khoảng 500 đàn ong mật.
Theo ông Tám, nghề nuôi ong khá mạo hiểm, vì phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
Cũng theo ông Tám, nuôi ong mật phụ thuộc khá nhiều vào thiên nhiên, nếu năm nào thời tiết thuận lợi, hoa cỏ được mùa thì người nuôi ong mới có ăn, chứ mất mùa hoa thì không những không có công mà còn phải bù lỗ.
Để đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt, ông Tám đặc biệt quan tâm tới khâu chăm sóc, phòng bệnh. Ông chọn con giống khỏe mạnh, thường xuyên vệ sinh khu vực nuôi ong đảm bảo sạch sẽ.
Trao đổi với Dân Việt, ông Tám cho biết: Nuôi ong khá vất vả. Nếu người nuôi không chăm sóc tốt thì có khi hỏng cả đàn ong. Trong quá trình nuôi ong cần chú ý tới các loại trĩ, như: Trĩ ba ba, trĩ mạt gà gây hại. Các loại trĩ này rất khó trị dứt điểm mà chỉ có thể dùng thuốc xông hơi, khống chế không để trĩ bùng phát ra diện rộng...
Mỗi năm ông Tám bán ra thị trường khoảng 15 tấn mật.
“Người nuôi ong phải chuẩn bị ong tốt trước khi vào mùa hoa đồng thời phải biết cách tạo thế cho đàn ong. Thế của ong có mạnh thì mới cho nhiều mật. Muốn ong khỏe, đông quân thì không có cách gì khác phải chăm sóc, nuôi dưỡng tốt. Đàn ong đông quân thì số ong đi làm mật mỗi ngày cũng nhiều hơn, dẫn đến lượng mật khai thác được cũng nhiều hơn. Đàn ong có thế mạnh dao động từ 8 – 10 cầu, nếu chỉ 3 hay 4 cầu thì lượng mật khai thác được không nhiều...” – ông Tám chia sẻ.
Ngoài khai thác mật nhãn, mật rừng, mật cỏ ở Sơn La, ông Tám còn cất công thuê xe ô tô di chuyển đàn ong của mình đến một số tỉnh, trong đó có tỉnh Thanh Hóa để lấy mật keo...
Với khoảng 500 đàn ong, mỗi năm ông Tám thu trên 15 tấn mật, bán ra thị trường với giá dao động từ 40.000 – 100.000 đồng/kg, tùy theo từng loại mật ong. Trừ chi phí, mỗi năm ông Tám cũng bỏ túi trên 200 triệu đồng.
Theo Văn Chiến/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/quanh-nha-dat-la-liet-to-ong-dem-khong-xue-thu-200-trieu-moi-nam-1060237.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn