Trước khi trồng rau cải xanh cần dọn sạch cỏ và tàn dư thực vật, làm đất kỹ, tơi nhỏ lên luống cao 20 - 25 cm, mặt luống rộng từ 1,0 - 1,2 m,...
Cây cải xanh là loại rau ăn lá rất phổ biến với người dân Thủ đô. Ngày nay, cải xanh có thể gieo trồng quanh năm, kể cả khi trái vụ vào mùa hè (từ tháng 5 - 8) nhờ công nghệ vòm và lưới che chắn nên hạn chế ảnh hưởng của cường độ mưa, nắng.
Theo Quyết định số 577/QĐ/SNN-TT ngày 10/5/2010 của Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội ban hành quy trình kỹ thuật SX cải xanh an toàn, những loại đất phù hợp cho cải xanh, cải ngọt là loại đất thịt nhẹ, đất cát pha, tơi xốp, giầu mùn và dinh dưỡng, độ pH từ 5,5 - 6,5.
Trước khi trồng rau cải xanh cần dọn sạch cỏ và tàn dư thực vật, làm đất kỹ, tơi nhỏ lên luống cao 20 - 25 cm, mặt luống rộng từ 1,0 - 1,2 m, bằng phẳng dễ thoát nước để tránh ngập úng khi gặp mưa và hạn chế sâu bệnh.
Nên gieo hạt chia làm 2 lượt để hạt phân bố đều trên mặt luống (khi gieo trộn hạt với đất bột). Gieo hạt xong cào nhẹ hoặc dùng tay xoa nhẹ, đều trên mặt luống và phủ một lớp rơm rạ, trấu mỏng trên mặt luống, sau đó dùng ô doa tưới nước đủ ẩm.
Thường xuyên giữ cho cây đủ ẩm, sau khi trồng mỗi ngày tưới đẫm 1 lần. Sau đó 2 - 3 ngày tưới 1 lần...
Tỉa cây làm 2 đợt khi cây được 2 - 3 lá thật và 4 - 5 lá thật, để cây với khoảng cách 10 - 12 cm. Trong các đợt bón thúc, cần kết hợp làm cỏ và cắt tỉa lá già, loại bỏ cây bệnh, lá bệnh tạo cho ruộng rau thông thoáng, hạn chế sâu bệnh.
Về kỹ thuật bón phân, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp Hà Nội chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục, tuyệt đối không dùng phân tươi, nước phân tươi, nước giải tươi để bón và tưới cho rau.
Bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học. Đặc biệt lưu ý phải đảm bảo thời gian cách ly với phân đạm urê ít nhất 10 ngày trước khi thu hoạch.
Trong công tác phòng trừ sâu bệnh, theo khuyến cáo của Chi cục BVTV Hà Nội, nên chọn các loại đất luân canh với cây trồng khác rau họ hoa thập tự như lúa nước và các cây trồng cạn khác nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển tiếp.
Áp dụng biện pháp thủ công như ngắt ổ trứng, bắt giết sâu non khi mật độ sâu thấp (áp dụng với sâu xanh bướm trắng, sâu khoang); phát hiện và tỉa bỏ những cây bị bệnh thối gốc, thối nhũn đem tiêu huỷ.
Trường hợp phải sử dụng biện pháp phun thuốc BVTV khi mật độ sâu bệnh lớn, giai đoạn đầu vụ - giữa vụ (sau gieo 5 - 10 ngày) chú ý các đối tượng bọ nhảy sọc cong, sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang và bệnh thối gốc.
Riêng bọ nhảy cần kiểm tra và xử lý triệt để tránh lây lan và phát sinh mạnh ở các giai đoạn sau.
Giai đoạn cuối vụ (10 -15 ngày trước khi thu hoạch) nên chú ý các đối tượng bọ nhảy, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang, sâu tơ, bệnh thối nhũn... Chỉ sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ khi mật độ sâu bệnh cao như:
+ Bọ nhảy: Mật độ >30 con/m2 xử lý bằng các loại thuốc có hoạt chất Dinotefuran (Oshin 20WP, Chat 20WP ...)
+ Sâu tơ: Mật độ > 20 con/m2; sâu xanh bướm trắng, sâu khoang ≥ 5 con/m2 xử lý thuốc thảo mộc có hoạt chất Matrine (Sokupi 0.36AS, Faini 0.3SL, Marigold 0.36 AS...), thuốc sinh học Bt (Delfin WG, Crymax 35WP, Kuraba WP…) và các loại nguồn gốc sinh học tương tự như giai đoạn giữa vụ để phòng trừ.
Đối với bệnh thối nhũn khi tỷ lệ bệnh > 10% xử lý bằng các loại thuốc có hoạt chất Validamycin (Validacin 5L, Vida 3SC, Valivithaco 3SC…), hoạt chất Streptomycin sulfate (Stepguard 100SP, Poner 40SP…).
Đặc biệt, chỉ khi mật độ sâu rất cao, thuốc sinh học không có khả năng khống chế thì mới sử dụng thuốc hóa học ít độc, nhanh phân giải để phòng trừ nhằm đạt hiệu quả kinh tế và kỹ thuật cao nhất.
Tuy nhiên, phải đảm bảo tuyệt đối thời gian cách ly theo hướng dẫn trên nhãn thuốc.
Theo: nongnghiep.vn