Năm 2013, Chi cục BVTV TP Hà Nội đã xây dựng và ban hành quy trình tạm thời về SX rau hữu cơ.
Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng mới trong canh tác nông nghiệp. Tại các nước phát triển, sau khi đạt những thành tựu lớn về năng suất, sản lượng trong nông nghiệp lại có xu hướng quay trở về nền nông nghiệp hữu cơ.
Nắm bắt được nhu cầu này, năm 2013, Chi cục BVTV TP Hà Nội đã xây dựng và ban hành quy trình tạm thời về SX rau hữu cơ. NNVN xin giới thiệu quy trình này để đông đảo bà con nông dân tham khảo.
SX rau hữu cơ là phương pháp canh tác chủ yếu dựa vào quy luật tự nhiên của một hệ sinh thái cân bằng trong đó sức khoẻ vật nuôi, đất đai, con người và môi trường sinh thái luôn được tôn trọng và duy trì bền vững.
Quá trình SX dựa vào tiến trình sinh thái, tăng cường đa dạng sinh học và khép kín chu trình dinh dưỡng phù hợp với điều kiện địa phương. Đặc biệt là tuyệt đối không sử dụng hoặc loại trừ các chất hoá học tổng hợp trong các vật tư đầu vào.
Đầu tiên, về vùng SX yêu cầu phải nằm trong vùng đủ điều kiện SX an toàn, không có nguy cơ ô nhiễm, đảm bảo yêu cầu theo QCVN 03:2008/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của kim loại nặng trong đất.
Trường hợp đất có chứa kim loại nặng vượt giá trị tối đa cho phép phải có biện pháp cải tạo đất hoặc lựa chọn loài cây trồng, biện pháp canh tác phù hợp và phân tích mẫu sản phẩm. Nếu mức độ ô nhiễm của sản phẩm trong giới hạn cho phép thì được chấp nhận đủ điều kiện SX đối với loài cây trồng được lấy mẫu phân tích.
Đối với cây hàng năm, thời kỳ chuyển đổi sang SX rau hữu cơ phải dừng hoàn toàn việc sử dụng chất vô cơ, chất hoá học trong phân bón, thuốc BVTV, chất phụ gia không được sử dụng trong SX rau hữu cơ phải kéo dài ít nhất là 6 tháng nếu diện tích được cấp chứng nhận đủ điều kiện SX rau an toàn hoặc VietGAP hoặc kéo dài 12 tháng nếu không có chứng nhận này.
Trong quá trình chuyển đổi sản phẩm, không được bán là sản phẩm hữu cơ. Bên cạnh đó, phải có vùng đệm để tránh nguy cơ tiềm ẩn của việc phun thuốc trừ sâu hoặc các nguồn nhiễm bẩn từ bên ngoài khác như nước chảy tràn, nước phù sa, nước bị ô nhiễm...
Về nước tưới, chỉ sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm đảm bảo yêu cầu QCVN 39:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dùng cho tưới tiêu.
Trường hợp nước có chứa kim loại nặng, vi sinh vật gây hại vượt giá trị tối đa cho phép thì phải có biện pháp cải tạo nước tưới hoặc lựa chọn loại cây trồng, biện pháp canh tác phù hợp và phân tích mẫu sản phẩm. Không sử dụng nước thải công nghiệp, nước thải đô thị, nước thải từ bệnh viện, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc để tưới cho rau.
Quy định giống, cây con và vườn ươm, khuyến khích sử dụng các giống địa phương, sử dụng các giống đạt tiêu chuẩn chất lượng giống đã quy định của cơ quan có thẩm quyền, có nguồn gốc rõ ràng, chọn giống kháng sâu bệnh được cung ứng từ các cơ sở có uy tín, được phép SX giống.
Đối với ghi chép hồ sơ, tổ chức, cá nhân SX rau hữu cơ phải lập biểu mẫu, ghi chép đầy đủ thông tin và lưu hồ sơ về toàn bộ quá trình SX. Khi thu hoạch cần loại bỏ các lá gốc, lá bị sâu bệnh, chú ý không để dập nát, không để sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với đất, bảo quản trong chỗ mát. Sản phẩm rau sau khi sơ chế, chế biến được đóng gói, bao bì và có nhãn mác bằng tem hoặc mã vạch đã đăng ký. Trong quá trình hu hoạch, sơ chế đóng gói và vận chuyển không được để sản phẩm rau hữu cơ với sản phẩm rau SX theo quy trình thông thường. |
Tuyệt đối không được sử dụng các giống có biến đổi gen. Nên bố trí vườn ươm cây con nằm trong khu vực SX rau hữu cơ. Nếu không bố trí được có thể sử dụng các nguồn cây con gieo trồng thông thường nhưng cấm không được sử dụng phân bón, thuốc BVTV hoá học trước khi gieo trồng.
Với phân bón, chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục, phân vi sinh không chứa chất vô cơ, phân khoáng từ nguồn tự nhiên để bón cho rau.
Tuyệt đối không sử dụng phân tươi, phân ủ từ rác thải đô thị, phân hữu cơ của những nơi chăn nuôi công nghiệp, các loại phân hóa học trong SX rau hữu cơ. Nghiêm cấm xây các bể chứa phân tươi trên đồng, ruộng để bón, tưới cho rau.
Riêng công tác BVTV, chăm sóc tốt cho cây trồng để tạo ra cây trồng khỏe mạnh nhằm chống chịu lại với sự tấn công của các loại sâu bệnh. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại.
Trồng các loại cây dẫn dụ như hoa hướng dương, cúc vạn thọ, sen cạn... hoặc để lại một ít các loại rau ra hoa như rau cải, cải cúc, cần tây, thì là... để thu hút côn trùng và các loại thiên địch. Sử dụng bẫy Pheromone, bẫy bả Protein, bẫy dính vàng, xanh để quản lý một số đối tượng gây hại và kết hợp với bắt tay.
Đặc biệt, chỉ được sử dụng các loại thuốc BVTV thảo mộc, sinh học khi sâu, bệnh hại nặng không thể khống chế bằng biện pháp thủ công.
Một số thuốc BVTV sinh học như, thảo mộc có hoạt chất như Trichoderma, Beauveria, Metarhizium, Matrine, Rotenone, Saponin... Khuyến khích sử dụng các chế phẩm tự nhiên như gừng, tỏi, giềng... Nghiêm cấm sử dụng thuốc BVTV hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ cỏ, các vật liệu biến đổi gen trong SX rau hữu cơ.
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn