Lợi đơn lợi kép
Trồng lúa theo quy trình "1 phải giảm 6" mang lại nhiều lợi íchvề kinh tế-xã hội và môi trường.
Bà Nguyễn Thị Nương ở ấp Kênh 7B, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp - Kiên Giang) có 2ha sản xuất lúa. Toàn bộ thu nhập của gia đình phụ thuộc cả vào đó. Năm nào được mùa, thời tiết tốt, bà có thu khoảng 20-30 triệu đồng; còn năm nào dịch bệnh nhiều hầu như không còn lãi. Khi dự án canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính (1 phải, 6 giảm - 1 phải: phải sử dụng giống xác nhận; 5 giảm: giảm lượng hạt giống, giảm phân đạm bón thừa, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm nước tưới, giảm tổn thất sau thu hoạch và giảm phát khí thải nhà kính) triển khai ở ấp Kênh 7B, bà Nương không dám làm theo vì sợ mất mùa. “Tuy vậy, chồng tôi nghe khuyến cáo và chấp nhận thử nghiệm trên ruộng nhà mình, vì chuyện này mà vợ chồng tôi giận nhau gần 2 tháng”, bà Nương nhớ lại.
Sau khi gieo sạ, bà Nương đứng ngồi không yên khi thấy ruộng hộ kế bên lên xanh trong khi ruộng nhà mình vẫn đen sì, toàn thấy đất, lúa bệnh đến nơi mà chồng bà nhất quyết không cho phun xịt. Nhờ kiên trì áp dụng đúng kỹ thuật, qua 40 ngày, lúa phát triển tốt, chỉ tốn 1 lần phun thuốc và giảm 30% lượng phân bón.
“Khi canh tác lúa theo 1 phải, 6 giảm (1P6G), gia đình tôi giảm được 30% lượng phân bón, giảm phun xịt thuốc bảo vệ thực vật 3-5 lần trong vụ, chỉ phun khi thật sự cần thiết; năng suất lúa tăng 10% so với trước, đặc biệt là lợi nhuận cao hơn hộ bên cạnh khoảng 7 triệu đồng/ha. Không chỉ áp dụng trong gia đình, chúng tôi còn chia sẻ kinh nghiệm với nhiều hộ khác. Trong vụ đông xuân 2014 - 2015, diện tích lúa áp dụng 1P6G của HTX chúng tôi đã tăng lên 500ha, trong khi trước đây chỉ có 270ha”, bà Nương cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thứ ở ấp 6, xã Vị Tân, TP.Vị Thanh (Hậu Giang), người thu được nhiều thành công nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác lúa nhằm giảm phát thải khí nhà kính, chia sẻ kinh nghiệm: “Giống lúa và mật độ sạ có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của cả vụ, nên sử dụng khoảng 80 - 100kg giống/ha bằng phương pháp sạ hàng. Sử dụng phân bón theo nguyên tắc đáp ứng đúng, đủ nhu cầu của từng loại giống vào từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa; bón đúng tỷ lệ các chất dinh dưỡng để nâng cao hiệu suất sử dụng, giảm thất thoát ra môi trường. Liều lượng mà tôi đã sử dụng cho vụ đông xuân là 14kg urê, 17kg DAP và 3kg kali trên 1.000m2, chia làm 3 lần bón. Trong một vụ lúa tôi thực hiện rút nước 3 lần; nhờ trồng hoa ven ruộng nên hạn chế tối đa việc phun thuốc bảo vệ thực vật trong 35 ngày đầu và giai đoạn sau thì chỉ phun thuốc khi đến ngưỡng phòng trừ”.
Liên kết để tiêu thụ sản phẩm
Theo ông Ngô Minh Long, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang, việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính đã mang lại lợi ích nhiều mặt, góp phần giảm khoảng 50% chi phí giống (mật độ gieo sạ từ 100-120 kg/ha so với tập quán canh tác cũ của nông dân sử dụng trên 200 kg/ha); giảm 25kg phân bón trên 1ha, áp lực sâu bệnh không cao nên cũng giảm được thuốc BVTV. Về năng suất, tăng khoảng 150 - 300kg/ha, chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu, góp phần tăng lợi nhuận 15-20% so với phương pháp canh tác thông thường. “Điều quan trọng là nhờ giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật nên môi trường ít bị ô nhiễm, sức khỏe con người được đảm bảo hơn. Bên cạnh đó, môi trường sinh thái đồng ruộng trở nên đa dạng, hệ động thực vật được bảo vệ. Giảm được lượng phân đạm, kết hợp với việc quản lý nước tốt sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu”, ông Long nói.
Cánh đồng mẫu lớn ở Hậu Giang áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Kiên Giang, cho biết, dự án “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính” triển khai trên địa bàn HTX Kênh 7B đã mang lại những lợi ích to lớn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường khi năng suất, lợi nhuận tăng. Nông dân được tập huấn và nâng cao nhận thức, do vậy đã tự chủ động cắt giảm phân, thuốc và nước tưới so với tập quán tới 30-40%. Ngoài giảm chi phí, việc cắt giảm các hóa chất cũng góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm tác động môi trường; huy động được hộ nghèo và phụ nữ tham gia tích cực, qua đó năng lực của bà con nông dân tăng lên. Hiện, trên địa bàn HTX Kênh 7B đã phát triển được 5 tổ/nhóm với 133 hộ nông dân tham gia, trong đó hộ nghèo và phụ nữ 35 hộ (26%). Năm 2015 mở rộng thêm 5 tổ/nhóm, với 58 hộ tham gia trong đó hộ nghèo 12 hộ (chiến 20%).
“Để phát huy tính hiệu quả và nhanh chóng ứng dụng quy trình kỹ thuật 1P6G trên diện rộng, ngành nông nghiệp Kiên Giang ưu tiên gắn kết Đề án cánh đồng mẫu lớn vào vùng dự án, triển khai 270ha ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính, đồng bộ ứng dụng gói kỹ thuật: 1P6G. Qua 6 vụ sản xuất, tổng diện tích thực hiện là 1.479,55ha, từ vụ đông xuân năm 2015 ngay sau khi dự án hoàn thành, quy trình kỹ thuật 1P6G đã được triển khai trên vùng địa bàn dự án ở Kênh 7b với tổng diện tích tăng 200%, từ 270ha/vụ lên 525ha/vụ. Đặc biệt trên địa bàn huyện Tân Hiệp, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai thí điểm đầu tư 22 điểm/11 xã với quy mô 1 ha bằng kinh phí địa phương”, ông Kiên cho biết thêm.
Tuy vậy, muốn nhân rộng mô hình, theo ông Kiên, cần quan tâm đến các vấn đề tồn tại trong thực trạng sản xuất lúa ở Kiên Giang như hệ thống thủy lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh, nhiều khu vực hệ thống kênh mương tưới - tiêu chưa tốt, chưa chủ động điều tiết nước, mặt bằng đồng ruộng ảnh hưởng đến việc áp dụng quy trình quản lý nước theo ngập khô xen kẽ. Hệ thống điện ba pha còn hạn chế, tác động nhiều đến khâu bơm tưới, đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất. Việc ghi chép sổ sách của nông dân chưa tạo thói quen, gây khó khăn trong việc chứng minh quy trình áp dụng, từ đó chưa nâng cao giá trị nông sản do rào cản về thủ tục truy nguyên nguồn gốc, thủ tục cấp chứng chỉ giảm phát thải. Nông sản trên cánh đồng ứng dụng đúng quy trình chưa được cấp chứng chỉ sản phẩm sạch, bị đánh đồng giá nên chưa hấp dẫn người sản xuất trong việc ứng dụng quy trình. Việc gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản ký hợp đồng bao tiêu và nông dân gặp nhiều bất đồng trong thực hiện hợp đồng thu mua.
Được triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2010 đến nay, mô hình 1P6G của Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ) đã thu được kết quả khả quan. Kết quả thử nghiệm tại 5 tỉnh An Giang, Kiên Giang, TP. Cần Thơ, Tiền Giang và Hậu Giang cho thấy, áp dụng 1P6G thân lúa có xu hướng ngắn hơn, đường kính lóng to hơn, rễ lúa dài hơn, số hạt chắc nhiều hơn và đạt năng suất bình quân cao hơn 0,6 tấn/ha/vụ (11%) so với mô hình canh tác truyền thống. Mô hình 1P6G đã giảm giống, phân urê, thuốc BVTV và tăng lợi nhuận trung bình 8 triệu đồng/ha/vụ; giảm 2.516m3 nước tưới/vụ (44%) và giảm lượng khí phát thải 2,46 tấn CO2e/ha/vụ so với mô hình truyền thống tại tỉnh An Giang. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, quy trình kỹ thuật 1P6G rất tiềm năng phát triển góp phần nâng cao thu nhập cho nhà nông, cải thiện môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp carbon thấp, thân thiện với môi trường.
Áp dụng mô hình 1P6G theo đúng kỹ thuật đã tăng năng suất và giảm chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV,… từ đó góp phần tăng lợi nhuận cho người dân từ 23% trong vụ đông xuân đến 58% trong vụ thu đông. Điểm thử nghiệm tại An Giang đạt lợi nhuận bình quân cao nhất (9 triệu đồng/ha/vụ) do trồng giống nếp AG-Nep (CK92) bán giá cao hơn lúa thường.
Để nhân rộng mô hình, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (MDI) đã đẩy mạnh công tác huấn luyện nông dân và trình diễn chuyển giao kỹ thuật tại các địa phương. Theo đó, hơn 760 nông dân được tập huấn về 1P6G và tổ chức hàng trăm điểm trình diễn kỹ thuật với diện tích nông dân thực hiện khoảng 900ha. Hoạt động này đang “lan tỏa” ứng dụng 1P6G với kỹ thuật quản lý nước ngập khô xen kẽ ở các tỉnh ĐBSCL.
1 phải, 6 giảm” là quy trình sản xuất kết hợp giữa kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” (1 phải: sử dụng giống xác nhận; 5 giảm: Lượng hạt giống, phân đạm bón thừa, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nước tưới, tổn thất sau thu hoạch) + kỹ thuật trồng lúa giảm phát khí thải nhà kính. Mô hình giúp nông dân cải tiến việc quản lý các số liệu theo dõi mực nước, sinh trưởng, nông học và sâu bệnh trên ruộng lúa thí điểm tại nông hộ. Bên cạnh đó, nông dân còn có thể tự hạch toán chi phí sản xuất (lợi nhuận thu được/vụ) để có điều chỉnh quy trình canh tác nhằm giảm chi phí đầu tư, giảm ô nhiễm môi trường và tăng thêm thu nhập. |
Khánh Nguyên
Theo: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn