Ông Hòa cho hay: “Duyên nợ đưa tôi đến với nghề trồng nấm là từ một lần tình cờ nhìn những bịch nấm treo la liệt trên dây ở nhà một người quen. Hỏi ra mới biết đó là nấm sò. Tìm hiểu kỹ mới vỡ lẽ, nghề trồng nấm đòi hỏi kỹ thuật cao, nếu làm chủ được công nghệ thì cũng “có ăn”. Từ đó, tôi quyết chí theo nghiệp trồng nấm”.
Khi nắm chắc bí quyết, làm chủ được công nghệ trồng nấm, ông Hòa liền mua sắm dụng cụ, lập “phòng hóa nghiệm” để sản xuất meo giống nấm. Năm 2007, khi mẻ meo giống nấm đầu tiên thành công, cũng là thời điểm ông quyết định đầu tư xây dựng lò bể vô trùng, xây trại sản xuất nấm hàng hóa và tuyển nhân công lao động phổ thông.
Ban đầu vốn ít, ông tận dụng đất vườn nhà, dựng 4 trại nấm sò thương phẩm. Mỗi trại có diện tích 60m2 được làm bằng tre, nứa, lợp mái rơm cùng với hệ thống tưới phun sương, điều chỉnh nhiệt độ. Được làm đúng quy trình kỹ thuật, nấm sò của ông phát triển tốt.
Dẫn chúng tôi đi thăm trại nấm, ông Hòa cho biết: Cứ mỗi trại, một năm sản xuất được 2 lứa nấm. Mỗi lứa thu bình quân 1 tấn nấm thành phẩm, giá bán ổn định 20.000 đồng/kg.
Thấy làm ăn được, ông Hòa thuê mặt bằng mở rộng sản xuất, đến nay đã có 22 trại trồng nấm. Riêng nấm sò, mấy năm gần đây mỗi năm ông lãi ròng 100 triệu đồng, chưa kể tiền lời từ bán bịch phôi nấm sò, bán nấm rơm.
Ông Trần Duy Hòa - Chủ tịch Hội ND xã Tây Thuận cho biết: Nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong huyện, trong tỉnh đều liên hệ cơ sở trồng nấm của ông Hòa để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Nhiều năm liền ông Hòa là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, được Hội ND tỉnh và UBND tỉnh Bình Định tặng bằng khen.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn