Vì thiếu CDĐL mà không ít sản phẩm nông sản của Việt Nam "lép vế" trên trường quốc tế. Ảnh minh họa.
Trong thời gian qua nhiều chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ phát triển CDĐL đã được xây dựng vừa đưa vào triển khai trên thực tế như Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ”, các chương trình phát triển thương hiệu của Chính phủ cũng như các chương trình hỗ trợ phát triển đặc sản của địa phương.
Tính đến 31/7/2018, Việt Nam đã bảo hộ được 68 CDĐL, trong đó có 62 CDĐL của Việt Nam và 6 CDĐL của nước ngoài với nhiều loại sản phẩm khác nhau như: trái cây, thủy sản, gạo… sản phẩm chế biến như nước mắm, mắm tôm đến các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như: nón lá Huế, cói Nga Sơn, trúc sào Cao Bằng.
CDĐL đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn sự đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Một số sản phẩm đã được cấp CDĐL của Việt Nam. Ảnh: IT
Theo đó, nội dung phối hợp giữa 3 Bộ bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến CDĐL; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ khác có liên quan đến CDĐL; phối hợp thực hiện, ngăn chặn, kiểm soát và xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với CDĐL trên thị trường; phối hợp hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ và quản lý CDĐL; thành lập Hội đồng tư vấn CDĐL nhằm tư vấn cho Bộ trưởng 3 Bộ và các cơ quan liên quan về xây dựng và quản lý CDĐL ở Việt Nam.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: Việc phối hợp xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng và là vấn đề cấp thiết đối với ngành nông nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, giá trị nông sản Việt.
Hiện nay, ngay đối với thị trường trong nước và thế giới đều đặt vấn đề về ”truy xuất nguồn gốc” nên việc đảm bảo yêu cầu chất lượng hàng hóa sản phẩm nông nghiệp rất quan trọng. Thời gian tới, Bộ sẽ chuẩn hóa trên 2.000 sản phẩm nông nghiệp liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Đại diện 3 Bộ chính thức ký kết quy chế phối hợp về xây dựng, quản lý, phát triển CDĐL. Ảnh: D.H
Quy chế phối hợp giữa 3 Bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để các Bộ phối hợp, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ các CDĐL phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của sản phẩm được bảo hộ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế.
Đánh giá về sự phối hợp đặc biệt này, ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh: “Việc xây dựng, quản lý CDĐL không của riêng bộ ngành nào, và đặc biệt không chỉ có sự vào cuộc của các cơ quản lý nhà nước, mà cần nhất là sự tham gia của các doanh nghiệp, các Hiệp hội. Bởi khi sản phẩm của chúng ra nước ngoài chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt, sẽ có khiếu nại… thì khi đó sự góp mặt của các doanh nghiệp cũng như đại diện các Hiệp hội sẽ là sự tiếp sức ý nghĩa để sản phẩm Việt Nam tiếp tục đi đường dài trên thị trường quốc tế”.
Cũng tại lễ ký kết ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nêu rõ, không chỉ ngành công thương mà các ngành khác nếu làm tốt việc xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại giá trị gia tăng cho giá trị hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới.
Sự phối hợp giữa 3 Bộ cũng sẽ phát huy được ưu thế về năng lực chuyên môn, nguồn lực con người và tài chính của từng Bộ, đồng thời tạo ra sự thống nhất, bổ trợ lẫn nhau cho các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL và cũng là cơ sở để các địa phương xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Sở, ngành của địa phương mình trong xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL.
Theo Danh Hùng (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn