Khi thủy triều xuống, trên bãi bồi rừng ngập mặn ở các cửa biển, đầm... những chú còng màu bắt đầu rời hang. Không như đồng loại khi trưởng thành có kích cỡ to như ngón chân cái, còng "màu" chỉ nhỉnh hơn đầu đũa một chút, hoặc con lớn nhất cũng chỉ bằng ngón tay út người lớn.
Một bên càng của còng "màu" quá to so với kích cỡ tổng thể.
Theo một số người dân Quảng Ngãi, gọi là còng "màu", hay còng càng to là do tô điểm trên vỏ ngoài của loài vật này có nhiều màu sắc: trắng, vàng, cam... và một bên càng lại quá to so với kích cỡ của nó. Còn một số nơi ở phía Nam gọi con này là còng gió.
Một chú còng "màu" sở hữu bên càng màu vàng cam
Vào những buổi sáng hay chiều mát khi thủy triều lùi ra rất xa, để lại ven bờ rừng ngập mặn gần cửa biển là những bãi bồi rộng mênh mông với những chú còng màu rời khỏi hang và bắt đầu bò nhởn nhơ.
Mỗi khi thấy người, còng màu chui nhanh xuống hang để trốn
Không chỉ có trẻ con trong vùng ra chơi đùa bằng cách rượt đuổi đám còng cho chạy tán loạn mà người dân nơi đây còn chụp, đào bắt còng "màu" bỏ vào xô, chậu nhựa mang theo để đem về làm mồi giăng thả câu.
Cứ mỗi khi triều rút, lũ trẻ ở gần đó lại ra bãi bồi gần nhà để nghịch với còng "màu"
Ở Quảng Ngãi, còng màu bắt về làm mồi câu cá chứ không phải chế biến thức ăn cho người
"Nơi khác thì sao không biết, chứ ở đây người dân không bắt còng màu để chế biến làm thức ăn mà chỉ làm mồi để câu cá; hoặc cho lũ trẻ chơi đùa mà thôi", ngư dân Lê Văn Trung (58 tuổi, ở thôn Thạch By, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết.
Tuy không phải là con vật mang lại giá trị kinh tế nhiều, thế nhưng còng "màu" là hình ảnh gắn liền với ký ức tuổi thơ và người dân nhiều vùng quê biển Quảng Ngãi; đồng thời là con vật rất có ích trong việc xử lý môi trường sinh thái ở khu vực đầm, rừng ngập mặn...
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn