Các vườn dâu ở xã Hiệp Thuận (Hà Nội) nằm trên diện tích đất rộng khoảng 2 ha, được chia cho 14 hộ dân trồng và thu hoạch hàng năm.
"Nhà tôi có 400 mét vuông đất bãi trồng 30 cây dâu. Tháng 4 là mùa thu hoạch, sau đó phải cắt cành để đến mùa sau cây ra nhiều quả. Trung bình mỗi gốc dâu hái được 80-90 kg dâu", chị Đỗ Thị Cẩn, Xóm 8 xã Hiệp Thuận cho biết.
Công việc hái dâu đòi hỏi sự cẩn thận để không làm nát quả, người nông dân nhẹ tay đẩy ngược cuống lên là hái được. "Nhà tôi trồng 20 gốc dâu có tuổi thọ 6 năm, cây cao hơn một mét, tán rộng. Từ đầu tháng 2 đã bắt đầu cho thu hoạch. Dâu hái khi trời nắng quả sẽ bóng, căng, mọng; mỗi vụ dâu, gia đình thu hoạch được khoảng 2 tấn", chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Hiệp Thuận nói.
Những trái dâu đầu mùa quả căng mọng, chín nửa đỏ nửa đen. Hái dâu nhiều khiến đôi bàn tay người nông dân loang màu, họ thường dùng quả dâu non hoặc chanh xoa vào tay để rửa sạch.
Người dân cho biết, 40 ngày trước khi bước vào thu hái, họ sẽ không bón phân, không phun thuốc để dâu chín tự nhiên; cũng vì vậy dâu chín không đều, màu sắc khác nhau.
Sau khi thu hái, dâu sẽ được để dưới bóng râm và lần lượt gom vào các thùng xốp.
Mỗi ngày, hai người hái liên tục trong 9 tiếng được khoảng 50 kg dâu.
Nhiều lái buôn đến tận vườn để thu mua dâu mang đi tiêu thụ ở các chợ đầu mối.
Chị Thủy làm nghề thu mua dâu lâu năm ở xã Hiệp Thuận. Mỗi ngày chị thu mua được khoảng 600 kg và dựa vào chất lượng quả dâu để định giá. Những quả dâu to, dài, đẹp mã và mọng nước sẽ có giá 15.000 đồng mỗi kg, quả bé và khô thì giá 10.000 đồng mỗi kg.
Những thùng dâu đỏ mọng được xếp ngăn nắp chờ xe đến chuyển đi tiêu thụ, thị trường chính của loại quả này là Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị… Tại Hà Nội, người dân đứng bán lẻ dâu tại các tuyến đường với giá 25.000 đồng mỗi kg.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn