Cá ngát thường làm hang để ở, cách mặt nước sông vài mét. Mùa sinh sản của loại cá này từ tháng 5-9 âm lịch. “Sơ ý bị cá đâm thì nhức không gì bằng. Người bị cá đâm đau nhức đến nỗi không ăn uống gì được và phát sốt”, anh Nguyễn Út Em, ấp Phòng Hộ, xã Đất Mới, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau nói...
Cá ngát là 1 trong những loài cá đặc sản ở miền Tây, trong đó có Cà Mau. Ảnh: IT
Anh Út Em là người rất giỏi nghề săn cá ngát. Anh giơ đôi bàn tay đầy những vết sẹo do cá ngát đâm, cười và cho biết: “Ban đầu mới biết bắt cá ngát, bị nó đâm nhức lắm. Giờ quen rồi, chẳng "xi nhê" gì đâu. Khi phát hiện có hang cá là theo bắt cho bằng được".
Anh Út Em vừa nói, vừa lặn xuống ngoi lên rất nhanh, tay cầm vợt đưa lên con cá khoảng 600 g. Ảnh: Vũ Trân (Báo Cà Mau).
Theo kinh nghiệm của anh Út Em, hang cá ngát thường có một cửa chính và 3-4 cửa ngách. Đồ nghề để anh Út đi bắt cá ngát thường là chiếc giỏ đựng cá, cây vợt lưới tự chế dài khoảng 1,2 m, cán vợt có gắn cái phao nổi và dụng cụ không thể thiếu là cây sào dài khoảng 3 m, cắm làm nơi cố định cho mỗi lần đi lặn dưới sông. “Khi nước ròng, mình lấy cây sào chọc vào hang cho cá chạy ra, còn nước lớn thì cặm thẳng cây sào gần miệng hang, tay nắm cây sào lặn xuống đừng để cho người bị trôi đi”, anh Út Em cười cho biết.
Đi bắt cá dưới sông thỉnh thoảng người dân vẫn bắt được cá ngát. Ảnh: IT.
Đến nơi được cho là có hang cá ngát, anh lặn vài hơi, tay cầm cây sào chọc rất nhanh xuống dưới lòng sông. “Chỗ này bắt nhiều đợt rồi, chỉ còn lại cá nhỏ thôi”, anh Út Em vừa nói và lặn xuống, ngoi lên rất nhanh. Tay anh cầm cán vợt đưa lên con cá khoảng 600 g.
“Ngạnh nó mà đâm thì có nước la trời. Nhiều người chịu không nổi, treo tay, treo giò nằm rên. Vì vậy, để "chắc ăn" phải bẻ ngạnh nó liền”. Anh dùng kềm đem theo bên mình bẻ bỏ những cái ngạnh cá đi.
Gần nửa ngày đi mò cá ngát, anh Út Em bắt được 5 con, khoảng 3,6 kg. “Cá ngát trốn trong hang, nếu ở trong vuông tôm bắt dễ hơn ngoài sông nhiều lắm. Nhiều hang lớn sâu, đạp có thể ngập cả chân. Nếu hang lớn trơn láng, nước trong hang ấm hơn bên ngoài thì có cá”, anh cho biết thêm.
Cá ngát đặc sản sống trong môi trường tự nhiên ở sông nên thịt thơm ngon, giá bán cao từ 65-75.000 đồng/kg. Ảnh: IT.
“Khi bắt cá, đầu tiên dùng vợt úp xuống mặt hang, kiểm tra các lỗ ngách, dùng cỏ hay các vật cứng bịt các lỗ ngách lại. Xong xuôi, trở lại hang chính rồi dùng cây sào chọc mạnh vào hang. Cá thấy động là vọt ra miệng hang, nếu phao động đậy là cá đã chui vào vợt. Lúc đó, chỉ cần nhanh tay túm ở phần đuôi vợt rồi kéo lên”, anh Út hồ hởi.
Theo anh Út, hiện giá cá ngát dao động từ 65.000-75.000 đồng/kg, nên bỏ ra cả ngày anh kiếm được trên 500.000 đồng. Theo anh Út, nghề săn cá ngát cũng nguy hiểm, đi mò ở dưới sông, những lúc nước lớn chảy siết, cặm sào để lặn có khi vài lần mới làm được. “Tôi đi bắt cá ngát cũng thường hay theo con nước. Chỗ nào sâu quá đợi nước ròng... còn chỗ nào dễ làm ngay... ".
Ngoài lặn mò xuống hang săn cá ngát thì cũng có thể bắt loài cá đặc sản này bằng cách câu. Ảnh: IT.
Đi bắt cá ngát thường phải 2 hoặc 3 người. Một người lặn đạp, một người giữ vợt, người kia mò xung quanh. “Hiện người nuôi tôm thường thuốc vuông để tiêu diệt loài cá này, vì nó là loài ăn tạp, rất thích ăn những loài thuỷ sản nhỏ như tôm, cua con. Lượng cá ít hẳn nên đi kiếm hang cũng khó”, anh Út Em phân trần./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn