Sạch từ con giống, khâu chăn nuôi, đến người tiêu dùng, đó là tiêu chí của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (Hà Nội). Gà đồi sạch ở đây được nuôi như thế nào, phóng viên đã có dịp tìm hiểu về mô hình này.
Sạch từ con giống
Mặc dù mới được thành lập, nhưng mô hình chăn nuôi gà đồi thả vườn bán hoang dã của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn đã tạo được uy tín, chất lượng, thương hiệu nhất định đối với các siêu thị lớn như Metro, BigC… đặc biệt là người tiêu dùng, nhờ chất lượng thịt gà thơm, ngon, bổ dưỡng.
Tò mò muốn biết mô hình gà sạch Sóc Sơn sạch đến cỡ nào, PV Trang Trại Việt đã lần tìm đến các trang trại và được các chủ trang trại, các hộ gia đình nhiệt tình chia sẻ về quy trình nuôi gà đặc biệt này, với các công đoạn rất công phu. Ông Nguyễn Văn Thứ, thôn Lương Đình (Bắc Sơn) với kinh nghiệm 10 năm nuôi gà đồi cho biết, hiện ông đang nuôi 3.000 con gà thịt là giống gà ri, mía và gà lai chọi. Là người cẩn thận, nên khâu con giống được ông tuyển chọn rất kỹ. “Muốn có gà sạch, trước tiên phải có bố mẹ sạch, con giống “sạch”. Sạch mầm bệnh, sạch khánh sinh, không dư lượng hoóc môn tăng trưởng…” – ông Thứ chia sẻ.
Để dẫn chứng, ông dẫn chúng tôi ra khu vườn rộng hàng nghìn m2 của ông, ở đó đang có hàng nghìn con gà đang tung tăng chạy nhảy, con thì bới đất tìm mồi, con thì vỗ cánh nhảy phắt lên cành cây gáy te te, trông rất thiên nhiên, hoang dã. Chỉ tay về phía đàn gà, ông Thứ cho biết: “Từ khi gà nở cho đến khi xuất chuồng, dường như tôi không động đến thuốc, nghe có vẻ vô lý, nhưng đó là sự thật. Bởi tôi đã tuyển chọn từ gà bố mẹ, đến gà giống, mà lại được sống trong môi trường rộng rãi, trong lành, sạch bởi phân được xử lý bằng chế phẩm sinh học, thức ăn hoàn toàn tự nhiên như ngô, lúa, cám, rau, củ quả”.
Chị Nguyễn Thị Phương, thôn Phúc Xuân, Bắc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, gà bố mẹ phải được tuyển chọn kỹ, khỏe mạnh.
Có mặt tại hộ chị Nguyễn Thị Ngọt, thôn Phúc Xuân (Bắc Sơn), chị Ngọt cho biết, hiện chị đang nuôi hơn 500 gà thịt là giống gà mía và gà chọi, mỗi lần vào giống chị đều chọn rất kỹ ở trang trại của người quen. “Nếu gà 1 ngày tuổi là 18.000 – 20.000 đồng/con, gà 1 tuần tuổi khoảng 22.000 đồng/con. Sau khi đưa về, tôi phải nuôi cách ly, cho tiềm phòng đầy đủ, khi gà khỏe mới đưa vào thả. Còn thức ăn chủ yến là ngô và có bổ sung thêm cám để gà chắc khỏe hơn. Trước khi gà xuất chuồng 2 tháng sẽ ngừng việc tiêm vaccin để gà đào thải hết các chất tồn dư và cũng để chất lượng gà ngon, sạch và an toàn cho người tiêu dùng hơn”.
Cách hộ ông Thứ, chị Ngọt không xa là hộ chị Nguyễn Thị Phương, thôn Phúc Xuân (Bắc Sơn), khác với ông Thứ, chị Ngọt, chị Phương chủ yếu nuôi gà đẻ cung cấp giống cho bà con là chính. Chị Phương cho biết, hiện gia đình chị nuôi hơn 500 gà mía mái đẻ trứng, mỗi năm cung cấp cho bà con hàng chục nghìn con giống chất lượng.
“Chế độ ăn cho gà đẻ rất quan trọng. Nếu cho ăn thiếu canxi, thiếu chất xơ và tinh bột, gà vẫn đẻ trứng, nhưng sẽ không có phôi, hoặc phôi yếu, ấp sẽ bị ung, hoặc có nở gà con cũng rất yếu. Ngoài ra gà trống giống cũng rất quan trọng, do đó cũng tôi chọn rất kỹ và phân tỷ lệ phối giống hợp lý tránh tình trạng gà trống quá sức, chất lượng giống sẽ kém” – chị Phương cho hay.
Không lo tắc đầu ra với thương hiệu “Gà đồi Sóc Sơn”
Ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn cho biết, Hội thành lập với mục đích là giúp cho các hộ cùng chăn nuôi, tạo ra một sản phẩm sạch, thương hiệu và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Hiện Hội có 29 hội viên, với quy mô chăn nuôi tối thiểu 500 con/hộ, nhiều lên đến hàng chục nghìn con/hộ, phấn đấu đến năm 2016 số hội viên đạt khoảng 100 hộ, tương đương với khoảng 0,5 – 0,6 triệu con gà, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục tấn thịt gà sạch.
Gà đồi sạch Sóc Sơn được nuôi theo cách bán hoang dã thả đồi, vườn, thức ăn là ngô, rau, củ, quả nên rất sạch, thịt chắc, thơm ngon.
Để đạt được mục tiêu này, Hội đã xây dựng tiêu chuẩn về con giống, vệ sinh Thú y, môi trường chăn nuôi, thức ăn, buộc hội viên phải chấp hành. Bên cạnh đó liên kết với các doanh nghiệp giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia cầm nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo đầu ra ổn định. “Để làm được việc này, chúng tôi rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp. Về mặt Hội, trước tiên chúng tôi sẽ xây dựng thương hiệu “Gà đồi sạch Sóc Sơn”, từng bước đưa vào các siêu thị, bàn ăn của các khách sạn, nhà hàng lớn ở Hà Nội và các thành phố lớn” – ông Đông chia sẻ.
Về vần đề này, ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, cho rằng việc ra đời Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn có vai trò rất quan trọng đối không chỉ đối với sự phát triển chuỗi chăn nuôi gà đồi trên địa bàn huyện Sóc Sơn, mà sẽ tạo ra chuỗi liên kết với các địa phương khác.
Trước tiên, Hội sẽ là đầu mối để liên kết và thực hiện nhiệm vụ quản lý chặt chẽ quy trình chăn nuôi, tư vấn, hướng dẫn phát triển hệ thống chăn nuôi, xây dựng thương hiệu nhằm cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm sạch, chất lượng và an toàn.
“Có sản phẩm chất lượng, không sớm thì muộn cũng sẽ tạo được thương hiệu và khi đã có thương hiệu, giá trị chắc chắn sẽ tăng. Còn hiện tại, sản lượng gà đồi Sóc Sơn vẫn chưa thể đáp ứng đủ như cầu của thị trường nên đầu ra không lo ế” – ông Tường khẳng định.
Muốn có gà sạch, trước tiên phải có gà bố mẹ khỏe, gà giống khỏe, sạch bệnh, sạch kháng sinh…
Chia sẻ về đầu ra của sản phẩm, ông Nguyễn Hữu Bội, thôn Hoa Sơn, (Nam Sơn), một trong những hội viên của Hội Chăn nuôi, hiện đang nuôi 600 con gà đồi cho biết: “Trung bình 1 năm hai lứa, mỗi năm tôi cung cấp cho thị trường hơn 2 tấn gà thịt, với giá 80.000 – 90.000 đồng/kg (cao hơn 20.000 – 40.000 đồng” so với gà thường). Hiện tôi vẫn chủ yếu cất cho các lái buôn, chứ chưa có hợp đồng với các siêu thị. Tôi nghĩ nếu có hệ thống phân phối tốt, người tiêu dùng sẽ được dùng sản phẩm sạch, chất lượng, mà người tiêu dùng cũng có thu nhập”.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn