Cây ăn trái tỉnh nhà được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng
Sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn
Trong 6 tháng đầu năm, diện tích gieo trồng lúa trên địa bàn tỉnh đạt 95% kế hoạch năm. Theo nhiều địa phương, do thời tiết bất ổn và tình hình dịch bệnh nên năng suất bình quân trên diện tích đã thu hoạch thấp hơn cùng kỳ 7,7 tạ/ha. Nhằm tạo đầu ra cho nông sản, từng bước hình thành chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển cánh đồng liên kết năm 2017.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vụ đông xuân 2016-2017, có 53 công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với diện tích tiêu thụ 11.500ha lúa, sản lượng đạt trên 61.000 tấn. So với năm 2016, trong vụ đông xuân, số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết tăng 18 công ty nhưng diện tích và sản lượng tiêu thụ lúa giảm lần lượt là 262ha và 21.100 tấn. Trong vụ hè thu, dự kiến diện tích thực hiện liên kết tiêu thụ là 4.000ha, với 22 doanh nghiệp, công ty tham gia.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, nguyên nhân khiến việc liên kết sản xuất tiêu thụ chưa diễn ra như mong đợi trong thời gian qua là do giá nông sản ngoài thị trường luôn biến động, nông dân và doanh nghiệp chưa tuân thủ theo hợp đồng.
Ngành chăn nuôi và thủy sản cũng không mấy khả quan. Giá cá tra nguyên liệu dao động từ 25.000 - 26.200 đồng/kg, cao hơn khoảng 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, với mức giá này, người nuôi trồng thu được lợi nhuận khá. Tuy nhiên người nuôi vẫn chưa mặn mà mở rộng diện tích nuôi do thị trường truyền thống tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Riêng một số nước lại thực hiện chính sách hạn chế nhập khẩu cá tra, đặc biệt là Hoa Kỳ. Đối với con tôm càng xanh - sản phẩm thế mạnh của tỉnh cũng không ngoại lệ, diện tích thả nuôi khá khiêm tốn bởi giá thành sản xuất cao, thị trường đầu ra chưa thông thoáng. Trong lĩnh vực chăn nuôi heo, các hộ nuôi đang gặp thua lỗ nặng do giá heo xuống thấp trong thời gian dài. Trong 6 tháng đầu năm, số lượng đàn heo đạt 435.000 con, giảm gần 1.700 con so với cùng kỳ.
Song đối với lĩnh vực cây ăn trái, thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản trái cây của tỉnh nhà không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn chiếm được tình cảm của người tiêu dùng nước ngoài. Với hiệu quả kinh tế cây ăn trái mang lại cao gấp 3 đến 5 lần so với cây trồng khác nên người dân tăng cường chuyển đổi vườn tạp, diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang canh tác cây ăn trái, dẫn đến diện tích gieo trồng cây lâu năm đã vượt 4,1% diện tích kế hoạch năm 2017. Cụ thể, diện tích này tăng gần 2.300ha so với cùng kỳ.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu
Từ việc sản xuất chạy theo sản lượng, Đồng Tháp định hình cho sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, ngành nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao.
Vụ đông xuân vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ tại huyện Tam Nông và Tháp Mười. Mô hình này giúp nông dân trồng lúa làm quen cách điều tiết lượng giống gieo sạ, phân bón phù hợp, từ đó góp phần giảm giá thành sản xuất. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, lợi nhuận bình quân của ruộng sản xuất theo mô hình cao hơn ruộng đối chứng là 1,8 triệu đồng/ha. Đồng thời diện tích sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm là 175/300ha với sản lượng trên 1.000 tấn. Theo đó, đầu ra của sản phẩm được công ty thu mua gần 90ha, với sản lượng tiêu thụ là gần 500 tấn.
Không dừng lại đó, Sở NN&PTNT còn triển khai đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm giả giá thành, tạo ra nông sản an toàn theo nhu cầu thị trường. Cụ thể như mô hình sản xuất nhãn, chanh theo VietGAP; mô hình nhà màng trồng hoa lily, hoa đồng tiền; sản xuất lúa áp dụng biện pháp cấy bằng máy để giảm giá thành sản xuất... Việc nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao cũng được ngành nông nghiệp quan tâm như mô hình sản xuất rải vụ thu hoạch xoài; mô hình ứng dụng hệ thống tưới phun, điều khiển tự động giảm giá thành trên cây xoài, sản xuất kiểng và áp dụng trên cây có múi...
Thời gian qua, ngành nông nghiệp còn triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến đạt hiệu quả. Trong đó khá ấn tượng với mô hình giảm giá thành sản xuất lúa kết hợp thử nghiệm phân bón tan chậm (sản phẩm của Tập đoàn Mỹ Lan). Được biết, phân bón tan chậm được thực hiện thí điểm từ vụ hè thu 2016 tại Hợp tác xã Tiến Cường, xã Phú Cường huyện Tam Nông. Đến vụ đông xuân 2017, địa phương tiếp tục thực hiện tại Hợp tác xã Hiệp Phát, xã Phú Hiệp. Đặc điểm của phân bón tan chậm là chỉ bón 1 lần duy nhất trong suốt mùa vụ, vì vậy lượng phân bón giảm từ 130 - 150kg/ha so với mô hình đối chứng. Mỗi vụ, nông dân trồng lúa tiết kiệm chi phí bón phân lên đến 260.000 - 390.000 đồng/ha. Ngoài ra, lúa ít bị sâu bệnh, năng suất đạt bình quân 58 tạ/ha, cao hơn sản xuất truyền thống là 5 tạ/ha, lợi nhuận thu về gần 18 triệu đồng/ha. Với hiệu quả này, hiện nay, mô hình tiếp tục được ngành nông nghiệp thực hiện tại 6 huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh.
Riêng mô hình nuôi vịt trong rọ đang mở ra hướng đi mới cho ngành hàng này, khi sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và giá trứng lại cao hơn sản phẩm cùng loại ngoài thị trường từ 200-300 đồng/trứng. Từ hiệu quả của mô hình, đến nay trên địa bàn huyện Tháp Mười đã có 3 tổ hợp tác chăn nuôi vịt trong rọ tại các xã: Mỹ Hòa, Mỹ Quý và Mỹ An. Theo thống kê từ Sở NN&PTNT, đến đầu tháng 5/2017, các tổ hợp tác đã bán trứng cho Công ty Vĩnh Thành Đạt đơn vị tiêu thụ đầu ra với số lượng khoảng 4,4 triệu trứng...
Nguồn: Báo Đồng Tháp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn