Từ tư tưởng chỉ đạo trên đối với sản xuất vụ xuân năm 2014, các địa phương trong tỉnh xác định cần ưu tiên sản xuất các loại cây trồng có lợi thế, thị trường tiêu thụ ổn định. Mặt khác, phát triển sản phẩm chủ lực trồng trọt gắn với xây dựng CĐM; xóa bỏ tình trạng sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, công nghiệp hóa ngành chăn nuôi, tạo tiền đề vững chắc xây dựng vùng sản xuất hàng hóa; phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương theo hướng liên kết hóa - doanh nghiệp hóa - xã hội hóa các sản phẩm nông nghiệp.
Bà con nông dân xã Thạch Châu (Lộc Hà) chăm sóc rau màu vụ đông sau lũ. Ảnh: Hữu Trung |
Vụ xuân năm 2014, Đức Thọ sẽ đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào cơ cấu bộ giống chủ lực, đồng thời tổ chức sản xuất các sản phẩm chủ lực có hiệu quả, giá trị kinh tế cao, hướng tới sản xuất tập trung, hàng hóa, có sự liên kết để tiêu thụ sản phẩm bền vững...
Ông Nghiêm Sỹ Đông - Quyền Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho biết, vụ xuân năm 2014, huyện sẽ lấy giá trị trên đơn vị diện tích canh tác làm thước đo hiệu quả kinh tế. Huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm cơ cấu về giống, lịch thời vụ, kỹ thuật canh tác, trong đó, bố trí trà xuân trung chiếm 30% và trà xuân muộn chiếm 70% diện tích, tuyệt đối không thực hiện sản xuất trà xuân sớm. Cơ cấu bộ giống lúa chủ lực gồm: P6, Xi23 cho xuân trung và nếp 98, RVT, AC5, VTNA2, HT1, lúa lai nhị ưu 838 cho xuân muộn.
Bên cạnh đó, địa phương cũng tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất thử các giống lúa năng suất, chất lượng cao: XT28, B-Te1, BT09, TBR45, thiên ưu 8...; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt chương trình zêbu hóa đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, theo dõi các chương trình lai tạo bò Charolaise, BBB tại Trường Sơn, Yên Hồ, Tùng Ảnh và chương trình nạc hóa đàn lợn.
Ở Cẩm Xuyên, vụ xuân năm 2014, huyện chú trọng về cơ cấu giống và sản xuất tập trung theo CĐM nhằm tăng năng suất, sản xuất đảm bảo “ăn chắc” trong điều kiện thời tiết bất thường. Trước tiên, huyện chỉ đạo các địa phương không cơ cấu trà xuân sớm và giống IR1820.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Hữu Duyệt cho biết: Địa phương cũng đã xác định vùng sản xuất lúa theo hướng liên kết, duy trì và mở rộng các mô hình CĐM cùng 1 trà - 1 giống - 1 thời vụ tại các xã đã thực hiện thành công trong vụ sản xuất trước; xây dựng vùng, cánh đồng quy mô trên 50 ha sản xuất từ 1-2 loại giống lúa chất lượng cao; chủ động liên kết với các công ty tổ chức sản xuất giống xác nhận trên diện tích quy hoạch, định hướng trong sản xuất vụ xuân 2014 với 102 ha tại các xã: Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Thịnh và Cẩm Thăng.
Với mục tiêu đặt ra, 145.497 tấn sản lượng trồng trọt cho sản xuất vụ xuân 2014, trong đó chủ yếu là lúa, lạc, rau đậu thực phẩm; phấn đấu nâng tổng đàn trâu, bò lên 302.700 con, lợn 473.270 con; hươu 41.500 con, gia cầm 6,1 triệu con, ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Ngoài những mặt thuận lợi về cơ chế, chính sách hỗ trợ từ tỉnh đến huyện, thì sản xuất vụ xuân năm 2014 sẽ gặp không ít khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp; tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, giá các loại vật tư: giống, phân bón, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng dẫn đến nông dân không chú trọng đầu tư thâm canh...
Để sản xuất vụ xuân năm 2014 thắng lợi toàn diện, các địa phương cần thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Trong đó, sử dụng các giống ngắn ngày năng suất, chất lượng cao để tăng hiệu quả kinh tế; đồng thời tổ chức tốt việc liên kết sản xuất theo hình thức CĐM. Đối với cây màu, tập trung vào cây trồng có giá trị kinh tế cao và khai thác lợi thế của từng vùng sinh thái. Những diện tích sản xuất lúa hiệu quả thấp chủ động chuyển sang cây trồng cạn khác. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, phát triển nhanh các sản phẩm chăn nuôi chủ lực lợn, bò, hươu, gia cầm tập trung theo hướng chuỗi sản phẩm từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Hữu Trung
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn