Nơi hào hứng, nơi... “ngó lơ”
Chương trình thí điểm truy xuất nguồn gốc thịt heo qua ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone) tại TPHCM sẽ được bắt đầu từ ngày 16/12 thay vì ngày 10/12 như dự kiến trước đó. Nguyên nhân của việc lùi ngày triển khai "soi" nguồn gốc thịt heo bằng smartphone vì số lượng thương lái và cơ sở chăn nuôi nhỏ, lẻ đăng ký tham gia còn thấp, chủ thể tham gia chương trình chưa kịp trang bị máy móc thiết bị phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc; đăng ký sim vận hành máy đọc mã chuyên dùng cho lực lượng thú y...
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, theo kế hoạch công bố ban đầu, đề án dự kiến sẽ triển khai ở cả kênh phân phối truyền thống (gồm hai chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, 4 chợ lẻ Bến Thành, An Đông, Hòa Bình, Thái Bình) và kênh phân phối hiện đại (hệ thống các siêu thị). Tuy nhiên, nhằm đảm bảo tính hiệu quả của Đề án triển khai trên thị trường, Sở Công Thương TPHCM chỉ thực hiện thí điểm tại các hệ thống bán lẻ hiện đại, còn các chợ truyền thống sẽ được triển khai chậm hơn vài tuần.
Trái với mong đợi, khi Sở Công thương TPHCM triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, nhiều trang trại chăn nuôi tầm trung và nhỏ đảm bảo nuôi heo theo chuẩn VietGAP vẫn chưa mặn mà với quy trình này.
Ghi nhận tại “thủ phủ” nuôi heo Đồng Nai, nhiều chủ trang trại dường như không quan tâm đến đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo. Với nhiều năm kinh nghiệm nuôi heo theo chuẩn sạch VietGAP nhưng ông Duy (H.Thống Nhất, Đồng Nai) vẫn không muốn tham gia vào đề án.
Theo ông Duy, lâu nay do không có đầu ra cho heo VietGAP, nhiều người chăn nuôi heo ở Đồng Nai phải chật vật bán với giá trôi nổi bằng với giá heo nuôi thông thường nên không tương xứng với chi phí và công sức bỏ ra.
“Nuôi heo theo tiêu chuẩn sạch mà đầu ra ì ạch, giá liên tục giảm. Liên kết với cơ sở thu mua heo VietGAP cũng... trần ai, khiến bà con chăn nuôi ở đây nản lòng. Khi vận động tham gia đề án thì ngon lắm nhưng đề án có đảm bảo heo bán được ổn định hay không, chưa kể phát sinh chi phí mua tem cho heo lên đến tiền triệu”, ông Duy nói.
Trái với mong đợi, khi Sở Công thương TPHCM triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, nhiều trang trại chăn nuôi tầm trung và nhỏ đảm bảo nuôi heo theo chuẩn VietGAP vẫn chưa mặn mà.
Khác với ông Duy, anh Luận, chủ trang trại heo quy mô hơn 1.000 con tại H.Củ Chi, TPHCM lại rất hào hứng tham gia chương trình. Theo anh Luận, trước đây anh làm trang trại nuôi heo VietGAP nhưng giá bán bấp bênh vì thị trường liên tiếp phát hiện heo bơm chất cấm khiến người tiêu dùng chưa tin tưởng.
Khi Sở Công Thương triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo thì anh Luận xúc tiến triển khai từ việc vệ sinh trang trại, đầu tư con giống, sổ sách ghi chép…. đáp ứng đủ tiêu chí mà Sở Công Thương yêu cầu.
“Với những trang trại nhỏ thì việc mua thêm tem truy xuất sẽ tốn một khoảng tiền khiến người ta ngần ngại, còn những trang trại có quy mô lớn thì không đáng kể. Phải truy xuất nguồn gốc để từng bước lấy lại niềm tin của người tiêu dùng về thực phẩm sạch. Có như thế, việc chăn nuôi, kinh doanh mới được trơn tru hơn”, anh Luận nói.
Tem nhận diện có đảm bảo thịt heo đúng chuẩn sạch?
Theo đề án này, khi heo xuất chuồng, chủ trang trại sẽ đeo hai vòng nhận diện nguồn gốc vào hai chân heo, kích hoạt để theo dõi từ trang trại đến lò giết mổ, xẻ thịt, về chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, chợ lẻ, điểm bán.
Tại những điểm bán, tiểu thương sẽ kích hoạt tem nhận diện trên mỗi miếng thịt. Người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh đã được cài đặt ứng dụng đọc mã vạch trên tem truy xuất nguồn gốc thịt heo. Những thông tin được cung cấp bao gồm tên trang trại/lò giết mổ, thời gian xuất trại, thời gian giết mổ, quầy sạp nhập vào…
Quy định là thế nhưng nhiều người tỏ ra băn khoăn khi việc đeo vòng chỉ được tiến hành khi heo xuất chuồng nên chỉ truy xuất được lô heo, trại heo chứ chưa truy xuất được từng con heo. Điều này gây lo ngại rằng chất lượng heo vẫn chưa được kiểm soát, heo vẫn có thể được cho ăn chất cấm, bơm nước… Như vậy, vấn đề mấu chốt của chất lượng thịt heo an toàn vẫn chưa giải quyết được. Chưa kể, nhiều người nuôi heo quy mô vài chục con nhờ thương lái trà trộn với heo trại khác, vì thế có tem nhưng chưa chắc thịt đó “chuẩn”.
Lý giải sự băn khoăn của người tiêu dùng, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc công ty Vissan cho rằng, muốn giải quyết được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì phải giải quyết ngay từ trong chăn nuôi, phải kiểm soát ngay từ trong giết mổ. Nhà sản xuất và người chăn nuôi phải chịu trách nhiệm trước vấn đề này, chứ không giao trách nhiệm cho người tiêu dùng đi kiểm soát. Khi miếng thịt tới tay người tiêu dùng phải được truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Theo ông Mười, người chăn nuôi muốn bán heo thì tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, hoàn chỉnh sản phẩm sau thu hoạch. Phải niêm phong heo lúc xuất chuồng trước khi chở về lò giết mổ.
Trước sự lo ngại thay đổi và tái sử dụng lại vòng heo, ông Mười khẳng định vòng đã đeo vào con heo thì không thể giả và tái chế lại được.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM khẳng định, tại các chợ đầu mối, tất cả hàng hóa đều phải có tem, niêm phong mới được cho nhập. Tương tự, tại chợ lẻ, ban quản lý chợ phải kiểm soát việc này. “Nếu trà trộn các loại thịt, tiểu thương sẽ phải sử dụng số tem cao hơn bất thường. Chúng tôi sẽ khoanh vùng, giám sát chặt chẽ, nếu phát hiện sẽ công bố công khai sạp bán hàng gian dối”, ông Hòa nói.
Quế Sơn
Theo dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn