Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và BVTV nói riêng đã có sự tăng trưởng tốt. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đạt hơn 400 tỷ USD, trong đó xuất khẩu trái cây tăng trưởng rất mạnh. Tuy nhiên, hiện nay tình hình sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất trái cây là một trong những vấn đề quan trọng. Việc sử dụng thuốc BVTV của bà con nông dân vẫn chưa hoàn toàn hợp lý.
Người dân Sơn La đã được tập huấn cách sử dụng thuốc BVTV an toàn, trách nhiệm và hiệu quả |
Theo báo cáo của Cục BVTV, hiện nay phần lớn nông dân sử dụng phân vô cơ được tổng hợp từ các loại hóa chất hoặc khoáng chất do có ưu điểm nhanh, tiện lợi, với suy nghĩ “bón phân càng nhiều thì cây càng tốt” cho nên lượng phân bón hóa học thường được bón tăng gấp 2-3 lần so với nhu cầu, chưa chú trọng đến cân bằng của các loại chất dinh dưỡng trong đất bằng các chất hữu cơ.
Thói quen sử dụng thuốc BVTV theo kinh nghiệm, lạm dụng thuốc, không tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và hướng dẫn trên bao bì; không trang bị bảo hộ lao động khi dùng thuốc; vỏ bao bì thuốc còn vứt bừa bãi tại nương rẫy… đã gây nhiều vụ ngộ độc xảy ra do thuốc BVTV (đặc biệt là thuốc trừ cỏ), gây nguy hại đến sức khỏe không những cho người sản xuất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV, cho hay: “Hiện nay việc cấp mã số vùng trồng là một trong những vấn đề liên quan trực tiếp đến công tác sử dụng và quản lý thuốc BVTV. Chính vì thế Cục BVTV và Croplife đã phối hợp tổ chức chương trình sử dụng thuốc BVTV trách nhiệm, an toàn và hiệu quả. Mục tiêu của chúng tôi trước hết là tập trung vào trái cây phục vụ cho xuất khẩu. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiến đến mở rộng chương trình ra các địa phương khác”.
Trong thời gian qua, được sự phân công của Cục BVTV, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I đã tích cực phối hợp với các cơ quan, chính quyền tỉnh Sơn La, cùng với các chuyên gia nước ngoài tiến hành cấp mã số vùng trồng cho quả nhãn, xoài tượng da xanh Đài Loan và các hoạt động xúc tiến thương mại có liên quan phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Úc.
Ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I cho biết: “Trung tâm đã kiểm tra, khảo sát toàn bộ các vùng trồng dự kiến xin cấp mã số. Hầu hết các vùng trồng kiểm tra đều đáp ứng tiêu chuẩn để cấp mã số".
Trong năm 2018, Trung tâm đã phối hợp cùng với tổ chức Croplife tập huấn, tuyên truyền cho nông dân ở huyện Yên Châu về các vấn đề liên quan đến việc cấp, duy trì mã số vùng trồng, nhận biết và phòng trừ các loài sinh vật gây hại trong danh mục cấm cũng như việc sử dụng đúng các loại thuốc BVTV theo yêu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Quý Dương thăm vườn nhãn của người nông dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La |
Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ cùng Chi cục Trồng trọt và BVTV trong việc điều tra, phát hiện các loài dịch hại mà phía Mỹ, Úc cấm để từ đó có những biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả. Ngoài ra Trung tâm đã cùng với Chi cục Trồng trọt và BVTV thanh, kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV của các hộ nông dân trong vùng trồng đã cấp mã số. Kiên quyết loại bỏ quả xoài, nhãn từ những vườn mà hộ nông dân đó có sử dụng các loại hoạt chất mà Mỹ, Úc đã cấm.
Ông Thành cũng đã chỉ ra những khó khăn và tồn tại như đa số người nông dân là người dân tộc thiểu số nên vẫn còn hạn chế về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ, sử dụng thuốc BVTV cũng như quy trình sản xuất sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa để xuất khẩu.
Việc quản lý các vùng trồng về sâu bệnh hại cũng như việc sử dụng thuốc BVTV vẫn còn bất cập. Người dân và các hợp tác xã sản xuất vẫn chưa xác định rõ và chưa thích ứng với nền sản xuất hàng hóa. Đặc biệt là sản xuất để xuất khẩu vào các thị trường khó tính có giá trị cao. Hiện nay vẫn chưa có hợp tác xã dịch vụ để kết nối giữa các hợp tác xã sản xuất và doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu. Ngoài ra địa hình miền núi, đồi dốc, gây khó khăn trong việc vận chuyển sản phẩm cũng như công tác đi kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng.
Ông Nguyễn Trường Vương, đại diện tổ chức Croplife, đã đưa ra những kiến nghị: “Thời gian tới cần tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ nâng cao về sử dụng thuốc BVTV, năng lực quản lý, hoạt động của tổ dịch vụ BVTV tại vùng dự án đã thực hiện. Bên cạnh đó cũng cần mở rộng các hoạt động của dự án tại 25 vùng trồng đã được cấp mã số đối với sản phẩm quả tại các huyện Yên Châu, Sông Mã, Mộc Châu, Mai Sơn tỉnh Sơn La".
Theo: Phan Hiếu/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn