Đóng góp của người nông dân là vô cùng to lớn trong sự phát triển chung của đất nước.
Đây là năm thứ hai, tôi được vinh dự đồng hành cùng Chương trình bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, một sáng kiến mà theo tôi vô cùng ý nghĩa của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và Báo NTNN. Ý nghĩa nằm ở chỗ, Việt Nam ta là một đất nước thuần nông, có nền văn minh lúa nước lâu đời, có lực lượng lao động đông đảo nhất chính là nông dân, vậy mà từ trước khi chương trình bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” ra đời, chúng ta có quá ít sân chơi cho họ.
Qua hai mùa được đồng hành cùng sân chơi ý nghĩa của người nông dân Việt, cùng Hội đồng giám khảo cân nhắc đến “đau đầu, buốt óc” để làm sao lựa chọn một cách chính xác nhất những gương mặt nông dân tiêu biểu, đại diện cho nông dân trong 63 tỉnh thành trên toàn quốc, tôi mới chợt nhận ra một điều: Sức sáng tạo và sự năng động của người nông dân ta là vô hạn. Không những thế, họ còn sở hữu cả sự can đảm của những người dám bước những bước đi tiên phong và sự nghĩa tình, chung thủy của người làm ra hạt lúa, củ khoai…
Họ có thể là những anh Hai Nam Bộ phóng khoáng cả trong cách sống và suy nghĩ, luôn chấp nhận mạo hiểm để làm ăn lớn như anh Đàm Văn Trung (ấp Phước Trung, xã Phước Mỹ, Mỏ Cày, Bến Tre) người chuyên bao tiêu đặc sản bưởi da xanh với diện tích nhà xưởng bảo quản, đóng gói rộng 6.500m2, sản lượng tiêu thụ mỗi năm hơn 7.300 tấn với doanh thu tới 190 tỷ đồng/năm… Họ cũng có thể là những người biết hy sinh lợi ích bản thân vì cái chung, vì cộng động như ông Điểu Yơm, xã Đăk Wer (Đăk R Lấp, Đăk Nông), người hiến tới hơn 4.200m2 đất trồng cao su, cà phê cho buôn, xã làm đường giao thông nông thôn và công trình phúc lợi… Cao hơn nữa, họ biết đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, giữa gian nan sóng cả vẫn vững tâm bám ngư trường để bảo vệ từng tấc biển của Tổ quốc ngay trong những ngày Biển Đông “dậy sóng” như các ngư dân Lê Văn Chiến ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê (Đà Nẵng); Nguyễn Trính ở ấp Phước Hiệp, huyện Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu)…
Chỉ có điều làm tôi vẫn băn khoăn, trăn trở. Đó là phải làm sao để giải phóng được sức sáng tạo, sự năng động, tính can đảm trong mỗi người nông dân Việt Nam, để nó thăng hoa và kết tinh, trở thành những giá trị bền vững cả về mặt vật chất và tinh thần của nông thôn Việt Nam, để tạo nên những người nông dân thế hệ mới, trong một thời đại mới. Một thời đại mà ở đó, người nông dân không còn phải thắc thỏm lo lắng trước sự đỏng đảnh của thời tiết, sự hoành hành của dịch bệnh hay sự ép giá của thương lái, không phải nghe điệp khúc của bài ca buồn “được mùa mất giá, được giá mất mùa” nữa…
Để người nông dân yên tâm cày cấy, làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình, để những giọt mồ hôi họ đổ xuống đồng ruộng, vườn cây kết tinh thành mùa màng bội thu, thành nụ cười, thành nhà lầu, xe hơi…, chắc chắn chúng ta còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đang bước khởi động. Trong đó theo tôi điều quan trọng là phải hiểu và chia sẻ nhiều hơn, phải sát cánh, chung vai với người nông dân để cùng tạo ra một nền nông nghiệp có giá trị cao, với mục tiêu căn bản là áp dụng triệt để khoa học công nghệ và hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất tới chế biến nông sản…
Viết tới đây, tôi chợt nhớ tới hình ảnh rất đẹp và đẫm chất nông thôn Việt trong bài hát “Về đây nghe em” (nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ thơ A Khuê):
Về đây nghe em,
Về đây mặc áo the đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Và về đây nghe lại tiếng nôi,
thơ ấu khúc hát ban đầu...
Vâng, đó chính là nét chấm phá về cái nghĩa, cái tình của người nông dân Việt mà tôi muốn bổ sung thêm vào bức tranh đồng quê đầy màu sắc và đang bừng sáng hơn mỗi ngày của nông thôn Việt Nam!
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn