Từ năm 2006 đến 2018, Việt Nam đã thay thế Ấn Độ để trở thành nước XK điều nhân lớn nhất thế giới. Nhờ sự định hướng của Nhà nước, cụ thể là Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), ngành điều Việt Nam đã có sự thống nhất và phát huy được sức mạnh tổng hợp từ thương mại điều thô, SX - chế biến, thương mại nhân và các Cty XK, đặc biệt xuyên suốt là sự góp sức của các Cty chế tạo máy chế biến điều, nâng cao năng suất chế biến, giúp ngành điều Việt Nam phát triển rực rỡ và luôn giữ vững vị thế số 1 của mình trong chuỗi cung ứng XK điều nhân trên toàn cầu.
Ngành điều Việt Nam vẫn chưa có “ông lớn” thực sự đủ mạnh (Trong ảnh: Chế biến hạt điều tại NM của Tập đoàn Tân Long). |
Năm 2013, ngành điều Việt Nam đã lần đầu cán mốc hơn 2 tỷ USD về kim ngạch XK, đến năm 2018 đã vươn lên con số 3,5 tỷ USD (8 tháng đầu năm 2019 sản lượng XK đạt cao kỷ lục từ trước tới nay với hơn 250 nghìn tấn). Về tổng thể, ngành điều Việt Nam hiện vẫn tăng trưởng tốt, thu hút hàng trăm DN lớn nhỏ tham gia chế biến XK. Tuy nhiên, ngành điều Việt Nam cho dù có kim ngạch XK lớn, nhưng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa có nền tảng vững chắc để phát triển.
Một là từ điều thô cho đến điều nhân, mặc dù về tổng quan Việt Nam là nước SX và XK điều nhân lớn nhất thế giới, tuy nhiên lại đang chịu sự kiểm soát và tác động chính yếu từ các DN Ấn Độ hoặc DN có gốc Ấn Độ. Họ hoàn toàn áp đặt cuộc chơi tại “sân nhà” Việt Nam về giao dịch điều thô, đặc biệt về điều kiện thanh toán hoàn toàn bất lợi cho các người mua nội địa.
Trong khi đó, chất lượng và uy tín, cam kết hợp đồng rất thấp, đại đa số không theo sát các điều khoản hợp đồng đã ký. Bằng chứng là các DN của Việt Nam, mà cụ thể là DN nhỏ không có đủ điều kiện để kiểm tra chất lượng hàng hóa tại cảng xếp đều bị thiệt hại nặng nề hoặc bị “xù” hợp đồng khi giá lên, hoặc giao hàng không đúng chất lượng đã ký.
Với một văn hóa kinh doanh chộp giật và mất uy tín như vậy, vô hình chung các DN đến từ Ấn Độ đã lan truyền lề lối kinh doanh đó cho một số DN Việt Nam nhằm “ăn miếng trả miếng”, thường xuyên trả đũa lẫn nhau. Hệ quả là toàn ngành điều Việt Nam bị ảnh hưởng nói chung bởi tính cam kết chưa cao và uy tín ngày càng xuống thấp.
Hai là ngành điều Việt Nam vốn dĩ cấu trúc yếu vì nguồn lực bị dàn trải. Hiện cả nước có tới hơn một nghìn DN và kinh tế hộ gia đình tham gia chuỗi cung ứng SX và XK điều nhân.
Điều này một mặt dễ bị lũng đoạn bởi các Cty nước ngoài, mặt khác cho thấy ngành điều chưa có một DN nào đủ sức mạnh để đối trọng với các Cty nước ngoài nhằm ổn định thị trường, với những phương thức bán hàng an toàn hơn cho người mua tại Việt Nam.
Đồng thời, có thể giúp đại diện nhà SX kiểm soát tốt nhất về chất lượng nguồn nguyên liệu điều thô NK, mua bán minh bạch đúng chất lượng và giá cả phù hợp với thị trường nhờ áp dụng các giải pháp đồng bộ các nguồn lực chủ chốt như logistics, tài chính, phân phối...
Mặc dù những năm gần đây, ngành điều đã đi vào thoái trào do sự phát triển quá nóng của các DN chế biến XK, tuy nhiên, Cty Cổ phần Tập đoàn Tân Long (Tân Long) cũng nhận thấy cả cơ hội và thách thức khi quyết định tham gia ngành điều bắt đầu từ năm 2019. Dẫu vậy, việc tham gia vào ngành điều của Tân Long là kết quả của một quá trình nghiên cứu thị trường nghiêm túc và cẩn trọng. Tân Long đã xây dựng một dự án mang tầm chiến lược dài hạn thay vì tìm kiếm lợi nhuận nhất thời theo kiểu “nước đục thả câu”.
Trong hoạt động thu mua điều thô nguyên liệu tại Tây Phi ở các nước Bờ Biển Ngà và Guinea Bissau, Tân Long luôn cắt cử mỗi nhóm 20 người trực tiếp tổ chức thu mua ở mỗi nước. Nhóm hoạt động này bao gồm các cán bộ thu mua, giao dịch, hậu cần, kiểm định, hiện trường kho bãi...
Kết quả, tuy lượng hàng mua được tại Bờ Biển Ngà khoảng 20 nghìn tấn và con số tương ứng tại Guinea Bissau là 24 nghìn tấn trong năm 2019 là con số còn rất khiêm tốn, nhưng Tân Long đã thành công trong việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng từng lô hàng, chủ động lịch giao hàng. Điều đặc biệt nhất những khách hàng mua hàng của Tân Long theo bất kỳ hình thức giao dịch nào đều hài lòng và yên tâm nguồn nguyên liệu SX, chủ động trong hoạch định kế hoạch kinh doanh.
Trong chiến lược phát triển mảng SX kinh doanh hạt điều của mình, Tân Long luôn cố gắng từng bước xây dựng nền móng vững chắc từ việc thu mua điều nguyên liệu, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ SX chế biến và cuối cùng là tham gia XK và phân phối ra thị trường bán lẻ trong và ngoài nước. Với tôn chỉ và mục tiêu rõ ràng như vậy, cùng việc nhận thức rõ về xu thế phát triển ngành điều Việt Nam nói riêng và ngành điều toàn cầu nói chung, Tân Long cho rằng ngành điều Việt Nam nói chung cần có một số giải pháp nhằm ổn định và phát triển.
Một là phải hình thành được một DN nội địa mạnh hàng đầu, có đủ năng lực để làm đối trọng với các DN nước ngoài đang cố tình lũng đoạn và tàn phá ngành điều Việt Nam bằng kế sách chia nhỏ ra, phân hóa để dễ dàng thâu tóm.
Hai là phải hình thành được chuỗi liên kết giữa các lò chẻ, các Cty nhỏ đoàn kết lại để tạo nên sức mạnh, phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh trong sản xuất chế biến. Bên cạnh đó, sàng lọc thị trường, hạn chế những giao dịch không giữ uy tín, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ cấu trúc ngành, tránh việc nhiều DN lợi dụng rào cản gia nhập ngành điều ở phân khúc thấp để kiếm lợi nhuận nhất thời, chộp giật theo kiểu “dễ đến rồi dễ đi”.
“Một số bài học cần được rút ra là: Luôn phát huy nội lực với thành công là việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ, giúp tăng cao năng suất SX chế biến, giảm giá thành; luôn tăng cường tính cạnh tranh trên tất cả các mặt trận thu mua ở Châu Phi và bán hàng XK tại các thị trường tiêu thụ; luôn trung thực và giữ cam kết và uy tín trong tất cả các giao dịch để tạo lập gốc rễ phát triển bền vững lâu dài”. (Ông Trần Vũ, GĐ Nhà máy Chế biến hạt điều thuộc Cty Cổ phần Tập đoàn Tân Long) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn