Đây là những giải pháp trọng tâm mà các nhà nghiên cứu, khoa học đưa ra tại hội thảo khoa học Bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi nước lợ do Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 10/12 tại Hà Nội.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, bệnh trên tôm lây lan qua cả hai con đường từ bố mẹ sang con và môi trường. Do vậy, giải pháp đầu tiên để phòng bệnh trong nuôi tôm nước lợ là phải có tôm giống sạch bệnh và môi trường nuôi sạch. Để có nguồn con giống sạch bệnh phải có sự thay đổi trong cách quản lý nhà nước. Cụ thể, các trại giống hoạt động phải có điều kiện. Công tác kiểm dịch hiện nay cần được thay thế bằng việc kiểm soát hệ thống sản xuất.
Qua quá trình giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, ông Ngô Thanh Long, Cơ quan Thú y vùng VI cũng cho rằng: vấn đề đầu tiên là con giống phải đảm bảo sạch bệnh và môi trường, chất lượng nước phải đạt yêu cầu trước khi thả nuôi. Sau khi thả nuôi phải kiểm tra chất lượng nước nuôi thường xuyên và phải giám sát chặt chẽ tôm sau từ 11 đến 25 ngày thả.
Bên cạnh đó, các tỉnh phải có chương trình giám sát vùng nuôi nhằm chủ động các giải pháp xử lý môi trường phù hợp; tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thủy sản và việc lưu hành sản phẩm ngoài thị trường.
Trên cơ sở nghiên cứu, trường đại học Nha Trang cho rằng, bên cạnh việc xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng nuôi, cần phải đẩy mạnh việc xây dựng và mở rộng các mô hình nuôi tôm áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, nuôi luân canh, nuôi xen ghép...
Theo nhà khoa học Bùi Quang Tề, nguyên Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản I, cần áp dụng các quy trình, công nghệ nuôi tiên tiến. Chẳng hạn như nuôi tôm bền vững dùng chế phẩm sinh học, sử dụng các chế phẩm vi sinh làm sạch môi trường và bổ sung các chất tăng cường miễn dịch cho tôm; nuôi tôm theo công nghệ Biofloc (sử dụng các hạt floc để kết dính các loại vi khuẩn, tảo... có trong ao nuôi).
Theo Cục Thú y, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Từ đầu năm đến nay, tổng diện tích tôm bị bệnh đốm trắng là trên 22.600 ha, chiếm 3,33% tổng diện tích thả nuôi cả nước. Dịch bệnh đốm trắng xảy ra gấp 1,85 lần so với cùng kỳ 2013 và gấp 2,6 lần so với năm 2012. Bệnh hoại tử gan tụy cấp đã xảy ra trên 5.500 ha, chiếm 0,82% tổng diện tích thả nuôi cả nước, có xu hướng giảm so với các năm trước.
Tuy nhiên, xu hướng giảm này theo đánh giá của Cục Thú y là do việc xác định nguyên nhân tôm chết vẫn phụ thuộc vào triệu chứng lâm sàng. Do đó, nhiều diện tích tôm chết do bệnh hoại tử gan tụy cấp được cho là do môi trường hay không xác định được nguyên nhân.
Theo kết quả điều tra của Cục Thú y, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ xuất hiện gần như quanh năm. Khi có dịch bệnh, việc phát hiện của các cơ quan thú y địa phương thường chậm hơn so với thực tế từ 1 đến 3 tháng. Do đó, việc phát hiện, báo cáo chậm là một trong những nguyên nhân dẫn đến phòng chống không hiệu quả.
Đỗ Hương
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn