Bộn bề gian khó
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến về một số nhiệm vụ cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp – IUU, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết, ngay sau khi EC rút “thẻ vàng”, cả Chính phủ, Bộ NNPTNT và các địa phương đã vào cuộc với tinh thần cầu thị với những giải pháp vô cùng mạnh mẽ.
Lực lượng chức năng tuyên truyền cho ngư dân về việc khai thác hợp pháp, có báo cáo và có trách nhiệm. Ảnh: tư liệu
Tính từ ngày 23.10.2017 đến nay, cả nước đã xảy ra 44 vụ/75 tàu/482 ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển ngoài bị bắt giữ, xử lý: Cụ thể, Kiên Giang 15 vụ/26 tàu/133 ngư dân; Cà Mau 12 vụ/15 tàu/87 ngư dân; Bình Định 5 vụ/8 tàu/70 ngư dân. Ngoài ra, còn có 48 vụ/77 tàu/589 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tại khu vực chồng lấn, tranh chấp. |
Theo đó, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Thủy sản 2017, đảm bảo tương thích với các quy định của khu vực, quốc tế và các khuyến nghị của EC. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành một loạt chỉ thị, nghị quyết liên quan.
Bộ NNPTNT cũng ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã nhiều lần trao đổi thư với EC và làm việc với Đại sứ EU tại Hà Nội về việc thực hiện của Việt Nam đối với khuyến nghị của EC; công bố công khai danh sách tàu cá khai thác trái phép.
Tính đến tháng 5.2018, đã có 22/28 UBND tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khắc phục cảnh báo thẻ vàng; thành lập văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá…
“Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong một thời gian ngắn mà tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt. Trong đợt kiểm tra từ 16-24.5.2018, Đoàn thanh tra EC cũng ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương trong triển khai các hành động chống khai thác IUU”- ông Tám nói.
Dù vậy, ông Tám cũng thừa nhận, việc tổ chức thực thi chống khai thác IUU vẫn còn 5 tồn tại, hạn chế, đó là chưa xây dựng được cơ chế chỉ đạo, điều hành kịp thời, thông suốt từ Trung ương đến địa phương; nguồn lực trong toàn hệ thống quản lý nhà nước, thực thi pháp luật thủy sản từ Trung ương đến địa phương còn hạn chế, như: Đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá còn bất cập, chưa tương xứng với phát triển cường lực khai thác, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị giám sát hoạt động các tàu cá còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu (có khoảng 28.600 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình), nguồn nhân lực và kinh phí cho các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng và trên biển còn thiếu.
“Bài học kinh nghiệm của 10 nước đã được EC gỡ “thẻ vàng” và 3 nước được EC gỡ “thẻ đỏ” cho thấy, các nước này đầu tư nguồn lực rất lớn, thậm chí cải tổ bộ máy quản lý về thủy sản”- ông Tám nói.
Đó là chưa kể, một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, vẫn để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác còn hạn chế; việc thanh, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá chưa được thực hiện thường xuyên và chưa xử lý nghiêm theo quy định.
Mức phạt sẽ tăng gấp 10 lần
Theo kiến nghị của các địa phương, một trong những lý do khiến hoạt động khai thác hải sản còn nhiều bất cập, vi phạm vùng biển nước ngoài, không có báo cáo là do chế tài xử phạt của chúng ta chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.
Theo ông Mai Anh Nhịn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, việc tuyên truyền và xử phạt các tàu vi phạm trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, do các thuyền trưởng, thuyền viên thường xuyên trên biển, còn gắn trách nhiệm cho chủ tàu cũng khó thực hiện.
Qua khảo sát thực tế, đại diện Bộ Quốc phòng cũng chỉ rõ một tồn tại, một bộ phận ngư dân biết rất rõ nơi nào là ngư trường được phép đánh bắt, nơi nào không nhưng vẫn cố tình vi phạm vì nguồn lợi thủy sản ở đó tương đối lớn. Ông Nhịn cũng thừa nhận, thực trạng này vẫn tồn tại ở một số tàu cá trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, theo quy định của Luật Thủy sản 2017, mức xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ tăng gấp 10 lần so với hiện nay, từ 100 triệu đồng lên 1 tỷ đồng và cương quyết rút giấy phép đối với những tàu vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng sẽ thực hiện tốt cơ chế phối hợp và xử lý ngay khi phát hiện tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài như không cấp giấy phép mới đối với chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình; cập nhật thường xuyên danh sách tàu cá được xác định có khả năng tham gia vào hoạt động khai thác bất hợp pháp để áp dụng biện pháp bổ sung nhằm kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu này.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC chỉ là một phần nhiệm vụ trong chiến lược hướng đến một nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm, vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong việc tuyên truyền, giám sát chặt chẽ các hoạt động đánh bắt hải sản trên biển.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám: Cơ hội xây dựng nghề cá có trách nhiệm Ông Ngô Minh Tiến - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (Bộ Quốc phòng): Lắp đặt giám sát tàu cá là việc phải làm ngay Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh: Đã xử phạt 1.000 vụ đánh bắt không đúng quy trình Đình Thắng (ghi) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn