Sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ địa phận Campuchia chảy qua địa phận 5 huyện biên giới Tây Ninh với chiều dài 105km.
Ông Trần Hồng Vân, ngụ huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) cho biết, hiện nay việc xử lý lục bình sông Vàm Cỏ Đông chưa triệt để. Bước xuống sông là không đi được vì lục bình dày đặc. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự từ mùa khô năm ngoái.
Lục bình làm giao thông đường thuỷ tê liệt, nhiều xuồng ghe của người dân địa phương phải neo đậu lại dọc hai bên bờ. Ảnh: Trần Khánh
Còn nhớ hồi tháng 3/2019, lục bình cũng phủ kín một màu xanh trên dòng Vàm Cỏ, đúng ngay mùa thu hoạch lúa. Cách nhau đôi bờ sông mà nhiều người thể qua sông gặt lúa. Có người thu hoạch xong thì không chở về, đành bán lúa ướt tại chỗ cho thương lái.
“Bây giờ, ghe, xuồng vẫn tạm thời đi lại được, nhưng có thể thời gian tới, người dân sang sông thu hoạch lúa sẽ khó khăn”, ông Vân nói.
Mới đây, Sở GTVT Tây Ninh đã tổ chức chuyến khảo sát tại xã Phước Vinh (huyện Châu Thành) thì thấy lượng lục bình dày đặc trên nhiều đoạn sông làm ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân.
Nguyên nhân do người dân sau khi vây lục bình lại để nuôi cá đợt trước Tết, đã đẩy hết ra sông để tiện đánh bắt. Tới mùa khô, mực nước xuống thấp, lưu lượng nước chảy chậm nên lục bình được dịp sinh sôi.
Nhưng theo người dân, nguồn nước ô nhiễm cũng là nguyên nhân khiến lục bình phát triển mạnh. Cùng với việc đơn vị trục vớt lục bình do tỉnh Tây Ninh ký hợp đồng thuê xử lý chưa dứt điểm nên cứ vào mùa khô, lục bình lại gây khổ sở cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Căn, người dân xã Trí Bình (huyện Châu Thành) kiến nghị UBND tỉnh Tây Ninh cần chỉ đạo các ngành chức năng đánh giá lại hiệu quả của đơn vị thực hiện việc trục vớt lục bình. Tránh tình trạng cứ “đến hẹn lại lên” dù đã thuê đơn vị trục vớt với kinh phí không hề nhỏ.
Công tác trục vớt lục bình chưa phát huy hiệu quả. Ảnh Đại Đương
Trước đó, tháng 4/2017, Sở GTVT ký hợp đồng với Công ty TNHH Huỳnh Vương để xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua tỉnh Tây Ninh với tổng chi phí hợp đồng là 9,7 tỷ đồng, thời gian hợp đồng 5 năm.
Sở GTVT cho biết sẽ có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Hoà Thành, Trảng Bàng vận động người dân không cắm cọc giữ lục bình trên sông và trong các kênh rạch chảy ra sông Vàm Cỏ Đông.
Sở GTVT cũng đề nghị công ty ưu tiên tăng thời gian hoạt động và đưa phương tiện trục vớt lục bình tại các bến khách ngang sông, đảm bảo cho phương tiện thủy lưu thông, phục vụ mùa màng, sinh hoạt của người dân.
Thời gian tới, Sở GTVT sẽ nghiên cứu phương án tổ chức căng dây, trục vớt từ đầu nguồn, không cho lục bình trôi về phía hạ lưu.
Theo Trần Khánh/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/tay-ninh-luc-binh-noi-kin-song-may-xuc-khong-xue-dan-kho-so-1064699.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn