Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra tình hình bệnh đạo ôn trên lúa tại xã Thạch Văn (Thạch Hà).
Ông Nguyễn Văn Việt (thôn Bắc Văn, Thạch Văn, Thạch Hà) mấy ngày trước còn nghĩ ruộng nhà mình đã “thoát” đạo ôn, thế mà, chiều nay đã phải đưa bình thuốc trừ sâu ra đồng phun phòng trừ. Chỉ mấy ngày mưa ẩm, cánh đồng thôn Bắc Văn gần như ruộng nào cũng bị đạo ôn, nơi nhẹ thì lấm tấm nâu trên lá, nơi nặng “cháy” lụi thành từng mảng trên đồng ruộng.
Ông Việt cho biết: “Bệnh lây lan nhanh lắm, nhất là trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, thiếu ánh sáng như hiện nay. Nếu đợt trước, bệnh chủ yếu xuất hiện trên trà xuân trung thì nay các giống xuân muộn cũng nhiễm”.
Xuất hiện giữa tháng 2, bắt đầu từ các giống nhiễm Xi23, NX30 ở trà xuân trung, bệnh đạo ôn âm ỉ phát sinh và gây hại suốt 1 tháng qua. Cao điểm là vào khoảng trung tuần tháng 3, bệnh lây lan nhanh, diện tích nhiễm lúc cao nhất là hơn 400 ha (đầu tháng 3 khoảng 55 ha), trong đó, nhiễm nặng khoảng 40 ha.
Điều đáng nói, diện tích nhiễm phát sinh trên diện khá rộng ở tất cả các địa phương với nhiều loại giống trà xuân muộn như: Thiên ưu 8, VTNA 2, SV 181… Cục bộ ở một số nơi đã xảy ra tình trạng cháy như: Thạch Mỹ, Mai Phụ (Lộc Hà); Xuân Viên, Xuân Trường, Xuân Phổ (Nghi Xuân); Thạch Sơn, Thạch Văn, Phù Việt (Thạch Hà).
Hiện nay, diện tích nhiễm ở Thạch Hà đã lên tới 160 ha. Tuy diện tích bị cháy không phổ biến, song năm nay, bệnh đạo ôn diễn biến phức tạp hơn, mức độ gây hại nặng nề hơn với diện tích nhiễm cao hơn năm 2016 là 358,5 ha.
Tình trạng bà con phun thuốc sai cách còn phổ biến ở nhiều địa phương
Ngay tại vựa lúa xuân muộn Cẩm Xuyên, nếu như năm ngoái, bà con nông dân chẳng biết đến “mùi vị” bệnh đạo ôn thì năm nay đã phải tất tả phun lượt 2, lượt 3. Ông Hoàng Văn Dũng (thôn 5, Cẩm Thăng) cho biết: “Nhà tôi làm 7 sào, ban đầu, gần 2 sào khang dân 18 xuất hiện đạo ôn là phải phun ngay. Cứ nghĩ chỉ những bộ giống nhiễm mới bị, thế mà, chỉ 2 ngày sau đó, các diện tích còn lại cũng có vết bệnh mới. Năm nay, thời tiết ẩm ướt kéo dài, lại trùng vào giai đoạn bón thúc đạm đẻ nhánh nên bệnh càng có điều kiện phát sinh và lây lan”.
Hiện tại, toàn huyện Cẩm Xuyên có khoảng 50 ha lúa bị nhiễm bệnh. Ông Bùi Quang Dung - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Cẩm Xuyên cho biết: “Bệnh đạo ôn chủ yếu gây hại trên các giống VTNA 2, VTNA 6, khang dân 18, xuân mai 12. Cùng với khuyến cáo của trung tâm, đến nay, có khoảng 100 ha được phun thuốc phòng trừ, tuy nhiên, do thời tiết thiếu ánh sáng, nhiều nông dân không tuân thủ quy trình kỹ thuật phun thuốc nên hiệu quả không cao”.
Việc tuân thủ chỉ đạo về phòng trừ sâu bệnh trên lúa lâu nay ở các địa phương vẫn chưa thực hiện triệt để. Phổ biến nhất là tình trạng bà con phun thuốc sai cách, thường chỉ đổ thuốc vào bình phun mà không quấy đều, trong khi đó, việc xử lý những diện tích bị cháy lụi thiếu triệt để cũng làm mầm bệnh có điều kiện sinh sôi.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Vào thời điểm này, bệnh đạo ôn trên lá đã đi vào giai đoạn phát triển cuối và kết thúc vào lúc lúa làm đòng. Tuy nhiên, nếu không khí lạnh vẫn tiếp diễn, gây mưa và sương mù thì bệnh vẫn sẽ phát sinh, nguy cơ xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông ở kỳ sinh trưởng tiếp theo. Vì vậy, các địa phương phải tăng cường công tác điều tra, phát hiện các đối tượng và có biện pháp xử lý hiệu quả. Đối với những diện tích cháy thì bà con phải nhổ hoặc cắt bỏ, tiêu hủy; đồng thời, tiến hành phun thuốc theo đúng quy trình kỹ thuật, tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tuyệt đối không được bón đạm hoặc phun các phân bón qua lá vùng đang bị nhiễm bệnh”.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn