“Người ta sợ, mới đến phần mình”
Bà Trần Thị Thắm cho biết, với gần 10ha đất ven sông Hồng bị bỏ hoang, không ai dám canh tác, một phần vì nằm ở ngay khúc sông có nước chảy mạnh, nhiều người đã bỏ mạng ở đây, gia đình bà đã “đánh liều” khai hoang. Sau gần 6 năm chăm chỉ cải tạo đất, đến nay bà Thắm đã có một cánh đồng ngô trải ngút tầm mắt. Cứ 5 tháng, gia đình bà Thắm lại xuất bán gà thịt một lần (trọng lượng khi xuất bán từ 3,5-4kg/con), đồng thời cung cấp thịt, trứng sạch và gần một trăm con lợn giống mỗi năm cho thị trường. Với gần 10ha ngô, gia đình bà Thắm mỗi vụ thu được hơn 500 tấn ngô hạt, đủ tự túc thức ăn cho lợn, gà để giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra, gia đình bà còn tạo việc làm thời vụ cho hàng chục người dân khác khi vào vụ, từ khâu gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, vợ chồng bà Thắm đã tìm mua giống cây đu đủ và chuối tây tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam mang về trồng trên đất khai hoang. Ban đầu, gia đình bà trồng 200 gốc đu đủ và 150 gốc chuối tây, sau đó nhân lên thành 500 gốc đu đủ. Hiện nay, đu đủ có giá ổn định trên thị trường là 5.000 đồng/kg. Mỗi năm, chỉ tính riêng nguồn thu từ đu đủ và chuối tây, gia đình bà Thắm cũng thu về trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, bà còn nuôi kết hợp 100 con chim bồ câu, 5 con trâu cái… để đa dạng hóa vật nuôi, thêm nguồn thu nhập.
Chia trứng ra nhiều giỏ
Khi tới thăm trang trại của gia đình bà Thắm, chúng tôi thấy ấn tượng bởi mọi thứ đều ngăn nắp, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Dù đi vào khu chăn nuôi hàng trăm con lợn, hàng chục con trâu, bò… nhưng chúng tôi không hề cảm thấy có mùi hôi như các trang trại chăn nuôi khác, do gia đình bà Thắm đã xây bể chứa biogas để xử lý chất thải và tận dụng khí sinh học để làm chất đốt. Chia sẻ với chúng tôi, bà Thắm cho biết, từ trồng trọt ngô, đu đủ, chuối tây và chăn nuôi kết hợp 5.000 con gà thịt, 300 con gà đẻ trứng, hàng trăm con chim bồ câu và trâu cái… mỗi năm gia đình bà “bỏ túi” hơn 500 triệu đồng.
Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng bà Thắm còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động, sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn… Gia đình bà đã giúp nhiều hộ dân vốn, trao đổi kinh nghiệp sản xuất kinh tế trang trại, nhờ đó nhiều hộ đang là hộ nghèo đã thoát nghèo, có “bát ăn bát để” nên bà Thắm luôn được nhiều người trong xã tin yêu, quý trọng.
“Có được thành quả như ngày hôm nay, ngoài sự phấn đấu không ngừng nghỉ của hai vợ chồng tôi, cũng nhờ Đảng và Nhà nước, chính quyền đã quan tâm giúp đỡ, Hội Nông dân đã tổ chức tập huấn và chia sẻ những kinh nghiệm chăn nuôi giúp bà con vươn lên phát triển kinh tế ” - bà Thắm chia sẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn