Thị trường thuốc bảo vệ thực vật hiện có hàng nghìn sản phẩm, mà doanh nghiệp ngoại chiếm ưu thế lớn.
Trói buộc doanh nghiệp trong nước?
Đối với thị trường sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV ở nước ta hiện nay, nguồn nguyên liệu phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài. Một số doanh nghiệp (DN) trong nước hoạt động ở lĩnh vực này chủ yếu thực hiện việc sang chai, đóng gói và phân phối thuốc BVTV cho các công ty nước ngoài là chính. Do vậy, đánh giá về dự thảo thông tư, nhiều DN đã đòi hỏi phải có sự minh bạch trong hoạt động của các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tại khoản 3, Điều 5, dự thảo thông tư có nêu: “Tổ chức, cá nhân sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm từ thuốc kỹ thuật không trực tiếp đứng tên đăng ký, thì được ủy quyền cho duy nhất một tổ chức, cá nhân đủ điều kiện… đứng tên đăng ký mỗi loại thuốc BVTV của mình và được chấm dứt, thay đổi ủy quyền đứng tên đăng ký đối với tổ chức, cá nhân được ủy quyền”.
Theo đại diện của Công ty cổ phần Thuốc BVTV T.Ư 1 (PSC.1): Quy định như thế này đã trói buộc các DN trong nước và bắt các DN phụ thuộc hoàn toàn vào công ty nước ngoài.
“Nếu vì lý do nào đó, họ không ủy quyền nữa thì sao? Khi đó các DN trong nước sẽ ngừng hoạt động và để cho các DN nước ngoài chiếm lĩnh thị trường nước ta”- đại diện công ty này đặt câu hỏi.
Không những thế, theo một số ý kiến khác, nếu điều khoản này được thực thi, các nhà máy nguyên liệu nước ngoài sẽ ép các DN trong nước về sản lượng tiêu thụ, thậm chí ép giá. Bởi trên thực tế, DN trong nước lệ thuộc quá nhiều nguồn nguyên liệu nước ngoài, khó phát triển nền công nghiệp thuốc BVTV trong nước.
Cũng theo dự thảo thông tư này, tại mục e, khoản 2, Điều 19 quy định, khi xin cấp lại giấy đăng ký thuốc cần cung cấp giấy ủy quyền của nhà sản xuất thuốc BVTV cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng. Giấy ủy quyền của nhà sản xuất là tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự quán tại nước sở tại.
Chuyên gia Nguyễn Trần Oánh (Hội DN Sản xuất kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam) cho rằng, chúng ta cần làm rõ khái niệm “nước sở tại” ở đây.
Chẳng hạn, một DN Trung Quốc ủy quyền cho DN Việt Nam đăng ký một sản phẩm nào đó, thì giấy ủy quyền này do Lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc hay do Lãnh sự quán Trung Quốc tại Việt Nam xác nhận? Do đó, cần ghi đầy đủ là: “Bản chính giấy ủy quyền của nhà sản xuất (nước ngoài) phải được hợp pháp hóa của Lãnh sự quán Việt Nam tại nước cấp đăng ký”.
Hơn nữa, về nguyên tắc, giấy ủy quyền của nhà máy nguyên liệu cho các DN trong nước có thời gian rất dài, từ 5-10 năm. Vì một lý do nhất định, nhà máy nước ngoài ngừng hoạt động thì việc xin xác nhận theo quy định đó là rất khó.
Thiệt hại về thủ tục này, DN trong nước gánh chịu. Đối với việc quy định các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP hoặc ISO mới đủ điều kiện xác định độc tính của thuốc thành phẩm ở Việt Nam chưa thực tế, vì trong nước không xác định được. Đây là căn cứ để DN trong nước phải lệ thuộc vào nước ngoài.
Còn thiếu tính thực tiễn
Có thể nói, thị trường thuốc BVTV của Việt Nam đang ở vào thời kỳ “trăm hoa đua nở” với hàng nghìn sản phẩm, chủng loại, người nông dân khó có thể lựa chọn được sản phẩm tốt nhất cho đồng ruộng của mình.
Chính vì thế, trong nội dung thông tư lần này đã đưa ra một loạt điều cấm như: Thuốc BVTV có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường; thuốc BVTV hóa học là hỗn hợp từ 3 hoạt chất trở lên… Thực tế, một số ý kiến lại đặt câu hỏi, các điều khoản cấm như thế liệu có xa rời thực tiễn đồng ruộng Việt Nam?
Theo Hội DN Sản xuất kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam, các quy định này còn mang tính chung chung, thiếu tính thực tế và không có cơ sở khoa học về việc này. Cụ thể, đối với danh mục thuốc đã được Cục BVTV cấp đăng ký khảo nghiệm và sản phẩm sắp được đưa vào sử dụng sẽ gây lãng phí lớn cho DN, bởi thông thường để có được một sản phẩm thuốc BVTV thương phẩm, các DN thường phải làm khảo nghiệm trong thời gian ít nhất 2 năm.
Ngoài ra, theo Hội DN Sản xuất kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam, điều khoản quy định thông tin về sản phẩm đã thể hiện rõ nhất sự thiếu thực tế của những người soạn thảo.
Một quy định cứng về cỡ chữ tối thiểu của nhãn mác tên thương phẩm và hàm lượng hoạt chất sẽ chiếm không gian rất lớn, nếu dùng cho các sản phẩm gói nhỏ, chai nhỏ sẽ không thể ghi được. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn hạn chế, manh mún, lượng thuốc vừa đủ, đóng trong chai gói nhỏ là cần thiết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn