Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhiều khi cũng chỉ như “đá ném ao bèo” bởi những kẽ hở của các nghị định, chế tài xử phạt. Theo quy định của Nghị định 108/2017/NĐ-CP loại phân bón không đảm bảo chất lượng là có chỉ tiêu không phù hợp với quyết định công nhận phân bón lưu hành hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Tời hàng vào kho của đại lý |
Phân bón giả về chất lượng là có một hoặc nhiều chỉ tiêu chính chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức đăng ký trong quyết định công nhận phân bón lưu hành. Áp dụng Nghị định 119/2017/NĐ-CP mức phạt dành cho hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là rất cao nhưng hành vi sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng lại rất thấp.
Thời gian vừa qua có nhiều bài viết của một số cơ quan báo chí phản ánh về tình hình sản xuất phân bón kém chất lượng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như ở Thái Nguyên, Sơn La, Long An...
Tuy nhiên, thực trạng này vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt bất chấp nỗ lực của các cơ quan chức năng. Như vào tháng 9/2019 trong 15 mẫu phân bón mà ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La lấy đi phân tích thì có đến 8 mẫu có chất lượng kém, không phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật.
Cụ thể gồm Công ty cổ phần Đầu tư Vinaso (phân NPK Vinaso), Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh Phú Tài (phân NPK Phú Tài), Công ty cổ phần Thương mại Cường Phát (phân bón Sao Nông) và nhất là Công ty TNHH Thương mại Tuấn Tú có tới 2 tên sản phẩm NPK Nông Gia và NPK Lộc Điền.
Gần đây nhất là vụ việc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên theo phản ánh của báo chí đã lấy 2 mẫu NPK-S+TE 5.10.3-8 và NPK-S 12.5.10-14 của Công ty CP Bảo vệ thực vật Miền Bắc (địa chỉ tại Cầu Giấy, TP Hà Nội) đem đi phân tích thì cả 2 đều không đạt chất lượng.
Điều đáng nói là do không có chỉ tiêu chất lượng chính nào (hàm lượng đạm, lân, kali) dưới 70% nên không bị coi là hàng giả, tất cả các trường hợp bị phát hiện đều chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 119/2017/NĐ-CP với mức phạt “tựa như gãi ngứa” từ 1-2 lần giá trị hàng hóa đã lưu thông trên thị trường.
1. Tác động tiêu cực của phân bón kém chất lượng đối với nền nông nghiệp nói chung và bà con nông dân nói riêng là rất rõ ràng.
2. Quy định chỉ xử phạt lượng phân bón đã tiêu thụ trên thị trường chứ không phải lượng phân bón đã nhận của đơn vị sản xuất. Mặc dù lấy mẫu phân tích của lượng phân bón còn lại trong kho (nghĩa là lượng phân bón chưa tiêu thụ) và kết quả không đạt chất lượng nhưng khi xử phạt lại chỉ xử phạt lượng phân bón đã tiêu thụ chứ không phải toàn bộ lô sản phẩm trong kho đó. Câu hỏi đặt ra là lượng phân bón chưa tiêu thụ được nếu tiếp tục được tiêu thụ ra thị trường thì hậu quả ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm?
Hơn nữa, đặc điểm của sản xuất phân bón là với cùng ngày (hoặc cùng chu kỳ) sản xuất thì chất lượng sản phẩm cùng loại là tương đương nhau. Nghĩa là có thể khẳng định lượng phân bón không đảm bảo chất lượng không chỉ có nguyên lô hàng tại cửa hàng được phân tích mà còn có thể ở các cửa hàng khác thậm chí các tỉnh khác.
Mẫu mã của nhiều loại phân khá giống với những thương hiệu lớn. |
3. Mức phạt quá thấp chỉ ngang bằng hoặc thấp hơn lợi nhuận bán ra được của chính lượng phân bón bị xử phạt đó. Điều này vô hình chung đã tạo tâm lý bất chấp của các chủ cửa hàng, vì tâm lý hám lợi nên vô tình tiếp tay cho các đơn vị sản xuất hàng kém chất lượng có điều kiện đưa sản phẩm ra thị trường.
4. Quy định xử phạt chủ cửa hàng chứ không phải đơn vị sản xuất khiến nỗ lực của cơ quan chức năng chỉ như muối bỏ bể. Đơn cử trong vụ việc phát hiện phân bón kém chất lượng tại tỉnh Thái Nguyên nói trên theo tìm hiểu thì Công ty CP XNK Thương mại và Du lịch Sơn Luyến là tổng đại lý của Công ty CP Bảo vệ Thực vật Miền Bắc có hệ thống khoảng 400-500 cửa hàng lớn nhỏ trên toàn tỉnh và các tỉnh thành, mỗi năm tiêu thụ được hàng ngàn tấn sản phẩm.
Nhưng do quy định về lấy mẫu và xử phạt của các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp khá nghiêm ngặt nên ngoài những đợt kiểm tra đột xuất một vài cửa hàng bán vật tư nông nghiệp thì chỉ những vụ việc bị báo chí hoặc người dân phản ánh, các cơ quan này mới có thẩm quyền kiểm tra, lấy mẫu và xử phạt. Con số cửa hàng này so với con số 500 kia liệu có thấm vào đâu?
Thêm nữa, trường hợp bị phát hiện, đơn vị sản xuất chỉ phải thu hồi, tái chế các bao phân bón đã tiêu thụ ra thị trường mà không bị áp dụng bất cứ mức phạt hành chính nào. Hình phạt này thực sự quá nhẹ, không đảm bảo tính răn đe cho các đơn vị có hành vi tương tự.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn